Trình Quốc hội việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi

22/05/2025 06:29:52

Sáng 22/5, Chính phủ sẽ chính thức trình Quốc hội xem xét việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi.

Theo chương trình nghị sự, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, đồng thời trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội sẽ trình bày báo cáo thẩm tra 2 dự thảo nghị quyết này.

Phổ cập giáo dục mầm non: Mục tiêu 2030 và những ưu tiên then chốt

Dự thảo nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non hướng tới mục tiêu đầy tham vọng: hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi trên phạm vi toàn quốc vào năm 2030. Việc phổ cập sẽ được triển khai theo lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời đảm bảo đầy đủ các điều kiện cần thiết.

Trình Quốc hội việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3-5 tuổi
Ảnh minh họa: Internet

Điểm nhấn của dự thảo là việc huy động tối đa các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển giáo dục mầm non, bên cạnh nguồn lực từ ngân sách nhà nước. Các nội dung cụ thể cần được quy định rõ ràng bao gồm:

- Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu.

- Đảm bảo đội ngũ giáo viên mầm non đạt định mức quy định.

- Bảo đảm kinh phí hoạt động cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập.

- Bổ sung, sửa đổi các chính sách đối với trẻ em.

Đặc biệt, dự thảo nhấn mạnh chính sách đột phá về đầu tư phát triển giáo dục mầm non, ưu tiên các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, biên giới, bãi ngang ven biển, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, cũng như các địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất.

Chính phủ cũng đánh giá tác động tích cực của chính sách này. Người dân, đặc biệt là trẻ em mẫu giáo từ 3 đến 5 tuổi, sẽ có cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng. Chính sách hỗ trợ cho trẻ em góp phần giảm gánh nặng kinh tế cho các gia đình ở vùng khó khăn, đồng thời thu hút thêm giáo viên mầm non, hỗ trợ đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên cấp học mầm non yên tâm công tác, tạo điều kiện để cha mẹ trẻ có thời gian phát triển kinh tế.

Miễn, hỗ trợ học phí: Đảm bảo công bằng giáo dục và thúc đẩy xã hội hóa

Cũng trong sáng 22/5, Quốc hội đã nghe tờ trình Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông.

Theo tờ trình, điểm mới đáng chú ý là Nhà nước sẽ hỗ trợ học phí cho cả trẻ em mầm non và học sinh phổ thông đang học tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Mục tiêu là đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục công bằng, thống nhất cho mọi trẻ em, đồng thời thể hiện tính ưu việt của chế độ và khuyến khích sự phát triển của giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.

Chính sách này được đánh giá là phù hợp với Hiến pháp và kết luận của Bộ Chính trị về việc miễn học phí cho học sinh mầm non và phổ thông trong hệ thống trường công lập.

Theo số liệu thống kê năm học 2023-2024, tổng cộng có 23,2 triệu học sinh trên cả nước, trong đó 21,5 triệu ở khối công lập và 1,7 triệu học tại các trường ngoài công lập. Ước tính tổng kinh phí để thực hiện chính sách miễn và hỗ trợ học phí cho học sinh từ mầm non đến hết lớp 12 trên cả nước là 30.000 tỷ đồng. Ngân sách dự kiến để miễn học phí cho trẻ mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học và THCS trong năm học 2025-2026 là 22.500 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc ngân sách nhà nước cần tăng thêm 8.200 tỷ đồng để triển khai đầy đủ chủ trương.

Chiều cùng ngày, các đại biểu sẽ chia tổ thảo luận về hai nghị quyết quan trọng này, mở ra một chương mới cho sự phát triển giáo dục mầm non và phổ thông tại Việt Nam.

PN (SHTT)

Nổi bật