Cảnh báo hình thức lừa đảo 'đi du học trọn gói, cam kết đỗ visa 100%'

22/05/2025 09:31:48

Thời gian gần đây, lợi dụng nhu cầu đi du học các nước ngày càng gia tăng, các đối tượng xấu tăng cường sử dụng các tài khoản mạng xã hội đăng tải các bài viết tuyên truyền, lôi kéo người dân đăng ký các hợp đồng “du học trọn gói” với cam kết tỷ lệ trúng tuyển 100% nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với số người dân có nhu cầu cho con đi du học nước ngoài.

Cảnh báo hình thức lừa đảo 'đi du học trọn gói, cam kết đỗ visa 100%'
Ảnh minh họa

Phương thức, thủ đoạn chính của các đối tượng gồm: Một là, đăng tải các bài viết trên mạng xã hội facebook, zalo, tiktok… giới thiệu bản thân có khả năng đưa người khác đi du học nước ngoài, tư vấn thông tin giả về các trường học ở nước ngoài, hứa hẹn về các trường học nổi tiếng trên thế giới theo đúng nguyện vọng của người dân, thậm chí làm giả hình ảnh các hồ sơ du học đã trúng tuyển để người dân tin tưởng nộp hồ sơ đăng ký; sau đó, chúng hướng dẫn người dân chuyển khoản đặt cọc hồ sơ một số tiền nhất định nhưng thực chất nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của người dân.

Hai là, sau khi người dân ký kết hợp đồng du học trọn gói, các đối tượng môi giới yêu cầu người dân nộp toàn bộ giá trị hợp đồng du học từ 200 – 500 triệu đồng tùy từng quốc gia lựa chọn. Quá trình tư vấn chúng lồng ghép nội dung các cam kết trúng tuyển 100%... nhưng không thể hiện trong hợp đồng du học, đến khi học sinh không đạt điều kiện về ngoại ngữ không đậu visa thì chúng chỉ trả lại một phần, đồng thời kéo dài thời gian trả tiền và chiếm đoạt số tiền còn lại mà không bị người dân phản ứng…

Một số dấu hiệu nhận biết thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng gồm: cam kết đậu visa 100%", do quyết định cấp visa hoàn toàn phụ thuộc vào Đại sứ quán hoặc Tổng Lãnh sự quán của nước sở tại và phụ thuộc vào trình độ ngoại ngữ của du học sinh nên không có đơn vị tư vấn du học nào có thể đảm bảo 100% tỷ lệ đỗ visa; giới thiệu chi phí "trọn gói" nhưng không liệt kê chi tiết các khoản mục chi tiêu cụ thể như học phí, sinh hoạt phí, vé máy bay, phí dịch vụ... cho người dân tìm hiểu; yêu cầu người dân đóng tiền ngay lập tức hoặc đặt cọc số tiền lớn mà không có hợp đồng rõ ràng, không có biên lai, hoặc thông tin về dịch vụ du học; quá trình tư vấn sơ sài, không cung cấp đầy đủ thông tin về trường học, chương trình học, điều kiện nhập học, yêu cầu tài chính, quy trình xin visa hoặc cung cấp các thông tin không đúng sự thật về trường học, học bổng, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp; các đối tượng môi giới hoạt động chui, không có giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép tư vấn du học do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Để chủ động phòng ngừa với các thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng môi giới trên, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác khi tiếp cận thông tin tư vấn đi du học nước ngoài, kiểm chứng thông tin từ các nguồn của cơ quan Nhà nước ban hành, nhất là không nhẹ dạ, cả tin, thực hiện theo các bài viết có nội dung tuyên tuyền đi du học trên mạng xã hội...; tìm hiểu kỹ về trường học, chương trình học, điều kiện nhập học, yêu cầu tài chính, hoặc quy trình xin visa…; không tiếp tay, tham gia các hoạt động lừa đảo tư vấn du học trái phép.

Ngoài ra, phải kịp thời thông báo, tố giác các đối tượng có hoạt động môi giới, tư vấn du học trái phép ở địa phương cho cơ quan chức năng để phòng ngừa, ngăn chặn và điều tra, xử lý.

Theo Tiến Quang (Pháp Luật & Xã Hội)