Vừa qua, sáng 21/5, TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long an đã mở phiên xét xử kín với Lê Tùng Vân (93 tuổi, ngụ xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Ông Vân được tại ngoại, có đơn xin TAND huyện Đức Hòa xét xử vắng mặt do sức khỏe yếu. Thông tin từ TAND huyện Đức hòa cho biết, phiên xét xử kết thúc vào lúc 10h30. Lê Tùng Vân bị HĐXX tuyên phạt 3 năm tù về tội “Loạn luân”.
Trước đó, Lê Tùng Vân từng nhận án 5 năm tù trước đó về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Như vậy, tổng hợp ông Vân phải chấp hành 8 năm tù.
Trên thực tế, không phải đến bây giờ những góc khuất đáng sợ phía sau Tịnh Thất Bồng Lai mới được dư luận chú ý. Trước đó, nhiều người đã nghi ngờ nhóm người giả sư, giả chùa này.
Năm 2022, trong chia sẻ với báo Lao Động, một mạnh thường quân từng đứng ra giúp đỡ Tịnh Thất Bồng Lai tiết lộ những điều mà ông đã mắt thấy, tai nghe. Theo đó, người đàn ông được phỏng vấn là ông Tô Văn Thành, trú ở TP.HCM, chuyên sản xuất kinh doanh xe thô sơ các loại. Ông Thành là một người kinh doanh, nhưng cũng là một phật tử ngoan đạo.
Năm 2019, ông Thành tình cờ đọc được thông tin về vụ việc nhóm người đến Tịnh Thất Bồng Lai đập phá, gây rối. Ông đã đến đây tìm thăm và càng chạnh lòng hơn khi thấy “tịnh thất” quá nghèo, thiếu thốn đủ thứ, thậm chí còn không có tượng Phật đúng tầm, chỗ thờ cũng tạm bợ. Nhìn các em nhỏ khi ấy được giới thiệu là trẻ mồ côi sống trong môi trường không đàng hoàng, ông Thành càng đau lòng.
Cuối cùng, ông Thành gặp Lê Tùng Vân và ngỏ ý được xây cất lại Tịnh Thất Bồng Lai như một cách “cúng dường”. Nói là làm, ông Thành sau đó bán mảnh đất nhỏ trị giá hơn 500 triệu đồng, dùng tiền này xây dựng lại Tịnh Thất Bồng Lai. Tất cả vật tư đều do ông tự mua, thợ từ TP.HCM đến cũng do ông thuê, các thủ tục, chuyện điều hành đều là người đàn ông này đứng ra làm trong hàng tháng trời.
Cuối cùng, ông Thành còn thỉnh nhiều tượng Phật về Tịnh Thất Bồng Lai để thờ cúng. Thời gian đó, việc ông đi đi về về giữa Tịnh Thất Bồng Lai và TP.HCM là chuyện cơm bữa. Có hôm ông còn ở lại nơi này đến 9-10h tối để cúng Phật, tụng niệm… Nửa năm có mặt thường xuyên tại Tịnh Thất Bồng Lai đã giúp ông Thành nhìn thấy, nghe thấy nhiều chuyện.
Đầu tiên, ông nhận ra không một ai trong Tịnh Thất Bồng Lai, kể cả Lê Tùng Vân (người khi đó được xem như sư phụ) để tâm đến chuyện tu tập. Nơi đây hiếm tụng kinh, đốt nhang. Thậm chí khi ông Thành mời 10 vị cao tăng ở các chùa lớn gần xa đến tụng niệm, ông Lê Tùng Vân còn không tham gia hay ra chào hỏi.
Ông Thành từng nhiều lần ghé nhà bếp của Tịnh Thất Bồng Lai và ngã ngửa khi thấy đồ ăn của họ là “mặn” chứ không phải “chay” như những nơi tu hành khác. Song song với đó, việc sinh hoạt, nói năng trong Tịnh Thất Bồng Lai được mô tả là không khác gì ngoài “cõi tục”.
Ông Thành ngờ ngợ Tịnh Thất Bồng Lai có vấn đề, nhưng không có bằng chứng cụ thể nên không nói ra được. Về sau, ông còn nhận ra các “chú tiểu” ở đây không phải trẻ mồ côi như giới thiệu.
Đến một hôm, Lê Tùng Vân đề nghị ông Thành cho “5 chú tiểu” từng tham gia Thách Thức Danh Hài tham dự sự kiện khánh thành công trình từ thiện mà ông thực hiện ở tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên ông Thành từ chối vì không muốn sử dụng hình ảnh của các em để quảng cáo cho lợi ích của người lớn. Từ đó, xung đột giữa hai bên xuất hiện. Từ cuối năm 2020, ông Thành không còn quay lại Tịnh Thất Bồng Lai. Đến khi Công an tỉnh Long An khởi tố vụ án liên quan đến những sai phạm ở Tịnh Thất Bồng Lai, ông Thành cũng không hề bất ngờ vì đã phần nào nghi ngờ từ trước.
Theo An An (SHTT)