Ngày dự sinh là ngày bác sĩ ước đoán thai nhi được khoảng 40 tuần tuổi dựa trên tính toán theo kỳ kinh cuối trước khi có bầu của thai phụ. Tuy nhiên ngày dự sinh chỉ mang tính tương đối chứ không nhất định là ngày bé chào đời, vì thai kỳ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Khoảng 80% em bé không chào đời ngay đúng ngày dự sinh mà thường là sớm hơn. Vẫn có những em bé ở lâu hơn trong bụng mẹ. Nếu bé ra đời chậm hơn một tuần so ngày dự sinh, tức từ 41 tuần đến 41 tuần 6 ngày, bác sĩ gọi là thai quá ngày. Bé sinh từ trên 42 tuần thai gọi là thai già tháng.
Nguyên nhân thai quá ngày dự sinh
Hiện vẫn chưa có nguyên nhân xác định em bé chào đời chậm hơn ngày dự sinh. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ gồm:
- Con so (tức con đầu lòng của một bà mẹ).
- Thai nhi có giới tính nam.
- Mẹ đã từng có thai kỳ quá ngày.
- Mẹ béo phì.
Những nguy cơ liên quan đến thai già tháng
Không phải tất cả trường hợp thai già tháng đều nguy hiểm. Tuy nhiên một số nguy cơ có thể xảy ra, gồm:
- Thai chết lưu.
- Thai quá to.
- Hội chứng thai già tháng.
- Nước ối giảm, giảm oxy tới thai nhi.
- Tăng nguy cơ mổ lấy thai.
Thai phụ nên làm gì khi vẫn chưa chuyển dạ dù đã qua ngày dự sinh
Quan trọng nhất vẫn là khám thai theo đúng lịch hẹn bác sĩ. Ngoài thời gian thăm khám, nên theo dõi cử động của bé. Khám ngay khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường, đặc biệt là đau bụng, ra huyết, ra nước ở âm đạo, em bé cử động quá ít hay quá nhiều so với bình thường.
Khi khám thai, bác sĩ sẽ đánh giá sức khỏe em bé bằng nhiều kỹ thuật, có thể thai phụ sẽ nghe non-stress test, theo dõi tim thai - cử động thai, siêu âm thai. Trong một số trường hợp, bác sĩ giúp bà mẹ chủ động chuyển dạ, thậm chí chỉ định mổ lấy thai nếu cần thiết.
Trường hợp thai quá ngày dự sinh thì việc tái khám đúng lịch hẹn vô cùng quan trọng. Dù thai phụ có bận rộn thế nào cũng phải kết hợp với bác sĩ để theo dõi em bé trong bụng mẹ thật chu đáo.
Cách tính tuổi thai và ngày dự sinh
Bác sĩ Lê Tiểu My - Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức (TP HCM)
Theo VnExpress.net