Nữ sinh viên năm nhất ở Hà Nội 'chết lặng' khi sập bẫy lừa đảo liên hoàn, mất trắng gần 1 tỷ đồng

18/05/2025 13:57:27

Câu chuyện đáng buồn về một nữ sinh viên năm nhất tại Hà Nội vừa trở thành nạn nhân của màn kịch lừa đảo vô cùng tinh vi, khiến em mất trắng số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng. Toàn bộ quá trình bị kẻ xấu thao túng tâm lý và sập bẫy hai lần liên tiếp đã được nạn nhân chia sẻ, như một lời cảnh tỉnh cho rất nhiều người.

Nạn nhân là Đ.T.N, sinh năm 2006, hiện đang là sinh viên năm nhất một trường đại học trên địa bàn Hà Nội. N. chia sẻ với VietNamNet, chỉ trong vài ngày, em đã liên tiếp dính hai cú lừa đau điếng với kịch bản được dàn dựng chặt chẽ, mục tiêu là chiếm đoạt tài sản.

Màn kịch "Công an điều tra vụ án ma túy"

Đầu tiên, N. nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông tự xưng là cán bộ công an, tên Nung Văn Đức, công tác tại Cục phòng chống tội phạm về ma túy thuộc Bộ Công an. Người này thông báo một tin "sét đánh": N. đang bị tình nghi có liên quan đến một vụ án nghiêm trọng về ma túy và rửa tiền phi pháp.

Để "phối hợp điều tra" và "chứng minh sự trong sạch", N. bị yêu cầu phải báo cáo chi tiết về dòng tiền và tài sản của mình. Kẻ lừa đảo đe dọa nếu N. không hợp tác, cơ quan chức năng sẽ lập tức cưỡng chế thu hồi tài sản và bắt tạm giam 37 ngày. Nghiêm trọng hơn, chúng còn dọa sẽ thông báo sự việc về trường, gây ảnh hưởng nặng nề đến việc học tập và tương lai xin việc của N.

Lợi dụng việc N. bận lịch học và thi cử, không thể trực tiếp đến trình báo, kẻ xấu yêu cầu em tải một phần mềm để tham gia "điều tra trực tuyến". Trong cuộc gọi video, để tăng độ tin cậy, nhóm lừa đảo không ngần ngại cho N. xem "tang vật" giả gồm ma túy, tiền đô la, một "lệnh bắt giữ hình sự" giả mạo, cùng với hình ảnh "trụ sở làm việc" và những kẻ khác mặc quân phục có bảng tên, số hiệu.

Nữ sinh viên năm nhất ở Hà Nội 'chết lặng' khi sập bẫy lừa đảo liên hoàn, mất trắng gần 1 tỷ đồng
Ảnh lệnh bắt giữ giả do NVCC.

Chúng liên tục gây áp lực, yêu cầu N. tuyệt đối không được liên lạc hay chia sẻ thông tin với bất kỳ ai, nếu vi phạm sẽ bị phạt tù nặng và phạt tiền. Để kiểm soát hoàn toàn nạn nhân, chúng còn buộc N. phải chia sẻ màn hình điện thoại và máy tính trong suốt quá trình này.

Đỉnh điểm của màn thao túng tâm lý là khi chúng đọc lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can giả, rồi yêu cầu N. chuyển ngay 300 triệu đồng vào một tài khoản mang tên "phục vụ điều tra" để "chứng minh mình vô tội". Quá lo lắng và hoảng loạn, N. đã vay mượn người thân, đồng thời nói dối bố mẹ rằng trường yêu cầu đóng toàn bộ học phí 4 năm để có tiền chuyển cho bọn lừa đảo.

Cú lừa thứ hai: Móc nối tinh vi với "chương trình du học danh giá"

Sau khi chiếm đoạt trót lọt số tiền 300 triệu, bọn tội phạm tiếp tục diễn kịch. Chúng thông báo với N. rằng Cục Quản lý Giám sát Ngân hàng đã kiểm tra và xác nhận khoản tiền này là "trong sạch", không liên quan đến hoạt động phi pháp, và sẽ sớm hoàn trả. Chúng còn "tặng kèm" lời khen N. đã hợp tác tốt và hứa sẽ liên hệ với nhà trường để biểu dương.

Chính vào lúc nạn nhân còn đang "thở phào nhẹ nhõm", cú lừa thứ hai ập đến một cách bất ngờ nhưng được tính toán cực kỳ tinh vi. N. nhận được cuộc gọi từ một người tự xưng là giảng viên của chính trường đại học em đang theo học. Người này thông báo N. nằm trong danh sách 15 sinh viên năm nhất có điểm số xuất sắc, được chọn tham gia chương trình học trao đổi 2 tháng tại Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc).

Để N. tin tưởng tuyệt đối, kẻ lừa đảo thậm chí còn đọc đúng tên một số sinh viên khác cùng lớp N. cũng được cho là nằm trong danh sách này. Chúng còn sắp đặt một kẻ khác giả danh bạn học, gọi điện cho N. rủ rê "cùng đi trao đổi cho vui". Do N. học theo tín chỉ và không thân với bạn này, giọng nói lại "nghe hơi giống", em đã tin đây là sự thật.

Nữ sinh viên năm nhất ở Hà Nội 'chết lặng' khi sập bẫy lừa đảo liên hoàn, mất trắng gần 1 tỷ đồng - 1

Nữ sinh viên năm nhất ở Hà Nội 'chết lặng' khi sập bẫy lừa đảo liên hoàn, mất trắng gần 1 tỷ đồng - 2
Ảnh thông báo giả do NVCC.

Sau đó, N. nhận được một "thông báo" giả mạo về việc đủ điều kiện ghi danh vào khóa du học. Giấy tờ này được làm giả rất tinh vi với con dấu và chữ ký của hiệu trưởng trường đại học. Trong thông báo này, có yêu cầu N. phải "chứng minh năng lực tài chính". Kẻ lừa đảo giải thích rằng khả năng tài chính càng lớn thì mức học bổng nhận được càng cao (bao gồm sinh hoạt phí và học phí), và chương trình du học thậm chí có thể kéo dài tới 4 năm chứ không chỉ 2 tháng như thông báo ban đầu.

Hay tin con gái có cơ hội du học danh giá, gia đình N. không chút nghi ngờ, vội vàng "vay nóng khắp nơi", chuyển thêm 600 triệu đồng vào tài khoản theo yêu cầu để "chứng minh năng lực tài chính", với dự định sẽ rút ra ngay sau khi hoàn tất thủ tục.

Giây phút vỡ lẽ cay đắng

Tuy nhiên, ngay sau khi khoản tiền "khủng" thứ hai được chuyển đi, sự thật phũ phàng ập đến. Bố của N. bất ngờ nhận được cuộc gọi từ chính kẻ đã lừa đảo, với vỏ bọc "cán bộ công an" trước đó, thông báo một câu ngắn gọn rồi cúp máy: "Con gái anh đã bị lừa". Cả gia đình N. như chết lặng, bàng hoàng nhận ra mình đã sập bẫy một cách cay đắng, mất trắng gần 1 tỷ đồng chỉ trong gang tấc.

Chia sẻ với VietNamNet câu chuyện đau lòng của mình, nữ sinh viên N. hy vọng đây sẽ là bài học cảnh tỉnh sâu sắc không chỉ cho bản thân em mà còn cho đông đảo các bạn sinh viên, các bậc phụ huynh về muôn vàn chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi, đặc biệt là kỹ thuật "thao túng tâm lý" nhằm chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn.

PN (SHTT)

Nổi bật