Dược sĩ Hà Nội sản xuất hơn 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả như thế nào?

18/05/2025 08:15:34

Theo điều tra ban đầu, Phạm Ngọc Tiến, vốn là một dược sĩ, đã chỉ đạo kế toán Lương Thị Yến thành lập 17 công ty "ma", bao gồm 6 công ty chuyên nhập khẩu và 11 công ty phân phối trong nước.

Dược sĩ Hà Nội sản xuất hơn 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả như thế nào?
Đối tượng Phạm Ngọc Tiến lúc bị bắt (Ảnh: Công an Hà Nội)

Ban đầu, nhóm này nhập khẩu thực phẩm chức năng thật từ nước ngoài. Tuy nhiên, khi thấy lợi nhuận "khủng", Tiến đã chuyển sang tự sản xuất hàng giả trong nước, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha để lừa người tiêu dùng, theo thông tin trên báo VietNamNet.

Trước đó, Công an thành phố Hà Nội tối 16/05 cho biết, Phòng cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hà Nội vừa triệt phá ổ nhóm sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế giả do vợ chồng Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt (cùng sinh năm 1988, trú tại: phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội) cầm đầu.

Tiến tự tạo ra công thức pha chế, mua nguyên liệu không rõ nguồn gốc rồi thuê nhân viên không có chuyên môn thực hiện việc pha trộn và đóng gói. Sản phẩm sau đó được dán nhãn mác tiếng nước ngoài và đóng gói tinh vi như hàng nhập khẩu. Để che mắt cơ quan chức năng, nhóm này vẫn duy trì việc nhập khẩu hàng thật với số lượng nhỏ giọt.

Xưởng sản xuất được đặt tại thị trấn Như Quỳnh (Hưng Yên). Nhóm thuê in màng nhôm và vỏ hộp tại nhiều cơ sở ở Vĩnh Phúc và Hà Nội. Tem nhãn phụ được dán tại kho ở Hưng Yên và một địa điểm ở số 114 Xa La, Hà Đông. Khi nghi ngờ bị theo dõi, các đối tượng đã nhanh chóng tẩu tán hàng hóa, cất giấu tại nhà mẹ đẻ của Yến, Nguyệt và một người giúp việc ở Bắc Giang.

Công an TP Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan khám xét đồng loạt gần 20 địa điểm tại hơn 20 tỉnh, thành phố trên cả nước. Lực lượng chức năng đã thu giữ số lượng tang vật khổng lồ, bao gồm 30 khuôn dập vỏ hộp, gần 102.000 sản phẩm thực phẩm chức năng giả, hàng chục nghìn thùng bao bì, tem nhãn, máy móc sản xuất... Tổng trọng lượng tang vật vượt quá 100 tấn, tương đương với hơn 100 mã sản phẩm làm giả.

Các đối tượng khai nhận đã hoạt động sản xuất và phân phối hàng giả từ năm 2020. Sản phẩm được tuồn vào các nhà thuốc, thậm chí cả một số bệnh viện và tiêu thụ rộng rãi trên toàn quốc.

Hiện Công an TP Hà Nội đang tiếp tục mở rộng điều tra để truy tìm toàn bộ số hàng đã tiêu thụ và thu hồi sản phẩm trên diện rộng.

PV (SHTT)