VFF lên "thực đơn" thế này, U22 VN ăn được vàng SEA Games thì là kỳ tích

31/07/2017 15:54:00

Chứng kiến U22 VN được cọ xát ầm ầm trước thềm SEA Games 29, đa số NHM cảm thấy thật yên tâm. Cơ mà, những người tinh ý sẽ nhận ra một điều rất không ổn...

Chứng kiến U22 VN được cọ xát ầm ầm trước thềm SEA Games 29, đa số NHM cảm thấy thật yên tâm. Cơ mà, những người tinh ý sẽ nhận ra một điều rất không ổn...

VFF lên

Trước trận giao hữu thắm tình hữu nghị với đội bóng mang cái tên mỹ miều đến mức một người lơ đễnh có thể nghe nhầm là "Các ngôi sao K-Pop", U22 VN đã có một serie 3 trận đấu cực kỳ bổ ích trong việc tích lũy kinh nghiệm trên hành trình giành vé dự giải U23 châu Á 2018.

Và sau trận gặp "Các ngôi sao K-League", U22 VN được VFF tạo điều kiện sang Hàn Quốc tập huấn khoảng chục ngày. Tại Hàn Quốc, U22 VN dự kiến đá 2-3 trận giao hữu với các đội bóng bản địa. Rồi từ Hàn Quốc, Công Phượng cùng các đồng đội sẽ bay thẳng sang Malaysia để bắt đầu chiến dịch săn vàng SEA Games 29.

Với tổng cộng 6-7 trận đấu trong vòng xấp xỉ 1 tháng trước trận mở màn SEA Games 29 gặp Đông Timor, có thể nói là U22 VN đã nạp đủ khối lượng "thức ăn" cần thiết cho một giải đấu dài ngày. Giả sử chỉ được đá 2-3 trận thì các cầu thủ của chúng ta sẽ "đói bóng", còn đá trên chục trận lại dễ dẫn đến bội thực.

Nhưng ăn đủ no không có nghĩa là đã đủ chất. Bao năm qua, các VĐV thể thao của ta luôn được ăn uống no nê trong quá trình phát triển từ năng khiếu lên đến chuyên nghiệp.

Chỉ có điều, trong khi các VĐV ở nhiều nước như Nhật Bản hay Hàn Quốc tích cực nạp vào cơ thể hàng loạt những món giàu dinh dưỡng như sữa và thịt, các VĐV Việt Nam lại thường ních đầy bụng bằng… trà đá với mỳ tôm.

VFF lên thực đơn thế này, U22 VN ăn được vàng SEA Games thì là kỳ tích - Ảnh 1.

Thực tế, Các ngôi sao K-League đều là những cầu thủ chất lượng nhưng đã thi đấu như... đi chơi khiến U22 Việt Nam chẳng học hỏi hay rèn luyện, thử nghiệm được gì nhiều (Ảnh: Facebook Nguyễn Quyết Thắng).

Trở lại với vấn đề của đội U22 VN, thầy trò HLV Hữu Thắng đã chuẩn bị cho SEA Games 29 bằng số trận đấu đủ no. Tuy nhiên, xét về chất, U22 VN lại thiếu nghiêm trọng. Trong suốt quá trình chuẩn bị cho chiến dịch tại Malaysia, "thực đơn" chính của U22 VN toàn là các đội bóng Hàn Quốc.

Lẽ ra chúng ta cần có một vài trận đấu với những đối thủ cùng khu vực ĐNÁ (tất nhiên là tránh các đội cùng bảng tại SEA Games 29) để thích nghi dần trước khi chính thức vào giải. Đằng này…

Hình như các đầu bếp đại tài của VFF bị nghiện món Hàn Quốc. Bằng chứng là ngay trước thềm SEA Games lần trước, U23 VN cũng đá giao hữu với U22 Hàn Quốc chứ chẳng phải đối thủ nào khác.

Tại vòng bảng World Cup 2014, ĐT Đức nằm chung bảng với Bồ Đào Nha, Ghana và Mỹ. Để chuẩn bị, họ chọn những đội bóng có phong cách tương tự với 3 đội bóng nêu trên là Ba Lan, Cameroon và Chile để cọ xát. Và không riêng người Đức vốn nổi tiếng với sự bài bản, hầu hết các làng cầu khác cũng đều làm vậy. Chẳng ai chuẩn bị thi bơi mà lại luyện đẩy tạ cả.

Cách thức lên thực đơn của VFF càng phi khoa học ở chỗ, chúng ta đá thật với U22 Hàn Quốc xong rồi mới đá thử với "Các ngôi sao K-League". Tại sao không đảo ngược lại trình tự? Giả sử được gặp "Các ngôi sao K-League" trước khi đụng độ U22 Hàn Quốc tại vòng loại U23 châu Á, không biết chừng U22 VN đã giành được ngôi đầu bảng.

Giờ là SEA Games 29. Chẳng biết liệu U22 VN sẽ ăn được vàng hay là lại ói ra toàn… kim chi?

Theo AQ (Trí Thức Trẻ)