Vào đầu thập niên 1980, lần đầu tiên số lượng máy bay chiến đấu của Trung Quốc có sự suy giảm đáng kể.
Không chỉ thiếu hụt về số lượng mà chất lượng của những chiến đấu cơ này cũng có khoảng cách ngày càng xa nếu đặt cạnh các cường quốc quân sự trên thế giới.
Trong khi đó quan hệ hợp tác quốc phòng giữa Bắc Kinh với phương Tây không thu được kết quả như mong muốn. Trước tình cảnh đó, việc nối lại mua sắm vũ khí từ Liên Xô lại trở thành ưu tiên số 1 của lãnh đạo quốc gia này.
Tháng 5/1989, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev đã có chuyến thăm Trung Quốc, hai bên đã ký kết nhiều điều khoản về hợp tác quân sự.
Đến tháng 9 cùng năm, phía Liên Xô thông báo rằng không có trở ngại nào đối với việc Trung Quốc mua MiG-29. Sang tháng 5/1990, đại diện của Trung Quốc đã tới Nga để thảo luận việc đặt hàng MiG-29 cùng các thiết bị đi kèm.
Liên Xô khi đó rất kỳ vọng rằng họ sẽ bán cho Trung Quốc được một lượng lớn chiến đấu cơ hạng nhẹ MiG-29 các biến thể. Tuy nhiên sau khi xem xét thì ưu tiên của Bắc Kinh đã thay đổi sang dòng tiêm kích hạng nặng Su-27.
Trung Quốc cho rằng hiệu suất hoạt động của Su-27 vượt trội MiG-29 cả về tầm hoạt động, khả năng thao diễn, độ tin cậy của động cơ... đây là nền tảng cho việc nâng cấp và tự phát triển trong tương lai ngay tại Trung Quốc.
Do đã có kinh nghiệm đối với chiếc J-7 - phiên bản MiG-21 "Made in China", Trung Quốc tự tin rằng họ đủ sức "cải biến" máy bay Liên Xô chế tạo.
Những khó khăn kinh tế vào giai đoạn đó đã buộc Liên Xô phải cung cấp "Báu vật" của mình cho người láng giềng đầy tham vọng.
Sau các cuộc đàm phán liên tục, vào mùa Đông năm 1990, Liên Xô và Trung Quốc đã ký hợp đồng bán cho Bắc Kinh 24 tiêm kích Su-27SK đi kèm cả phiên bản huấn luyện 2 chỗ ngồi Su-27UBK.
Mặc dù Liên Xô tan rã nhưng Tổng thống Nga Yeltsin vẫn cam kết giữ vững thương vụ.
Ngày 27/6/1992, Trung Quốc đã nhận được chiếc Flanker đầu tiên, đặt nền nóng cho Không quân Trung Quốc hiện đại ngày nay.
Chưa dừng lại ở đó, thấy tình hình khó khăn hậu Xô Viết, Trung Quốc còn tiếp tục ép Nga phải cung cấp dây chuyền công nghệ để họ tự sản xuất Su-27SK dưới tên định danh J-11.
Năm 1995 hai bên đã ký thỏa thuận và Nga sẽ cung cấp động cơ, radar, thiết bị điện tử để Trung Quốc lắp ráp tại chỗ.
Chiến lược loại bỏ MiG-29 và đổi sang Su-27 đã chứng minh sự hiệu quả không ngờ, đồng thời đây cũng là "trái đắng" đối với Nga khi Bắc Kinh liên tiếp cho ra đời các bản sao của Su-27, từng bước chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào công nghệ hàng không của Nga.
Theo Tùng Dương (Đất Việt)