Tiêm kích MiG-29 của Không quân Serbia được bảo toàn sau những đợt không kích của NATO
Trong thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ, Quân đội nhân dân Việt Nam đã sáng tạo ra một khí tài ngụy trang vô cùng độc đáo với tên gọi "Ra cót".
Đây chính là cách gọi tên lửa giả do Bộ đội Công binh - Quân chủng Phòng không - Không quân thiết kế, làm toàn bằng cót, tre nứa, không có thuốc phóng, thuốc nổ, đầu đạn. Sau này, Ra cót còn được cải tiến bằng cách phủ kim loại kết hợp với tạo khói để nhử máy bay địch.
Ra cót là một mưu lược sáng tạo của Bộ đội Tên lửa Việt Nam trong tác chiến, các trận địa tên lửa giả của ta đã khiến nhiều máy bay địch trút bom sai mục tiêu mà cứ tưởng đã "hoàn thành nhiệm vụ" đánh phá miền Bắc.
Cách làm độc đáo trên của Việt Nam đã để lại một kinh nghiệm thú vị trong lịch sử chiến tranh thế giới vì hiệu quả cũng như dễ triển khai tiến hành, đã gây ảnh hưởng tới một số quân đội khác mà Nam Tư là một ví dụ.
Trong cuộc chiến năm 1999, Nam Tư đã học tập cách làm của Việt Nam khi chế tạo ra những máy bay tiêm kích MiG-29 từ vật liệu tre nứa rẻ tiền nhằm gây khó khăn cho Không quân NATO khi tiến hành các phi vụ oanh tạc.
Các máy bay chiến đấu MiG-29 của Nam Tư được làm bằng tre nứa với tỷ lệ như thật, thậm chí đường nét còn khá tinh xảo so với mô hình bơm hơi. Ngoài phần khung xương bằng tre nứa, phần vỏ ngoài được làm bằng bìa carton rồi sơn phủ tỉ mỉ, khiến rất khó mà phân biệt được chúng với máy bay thật.
Sau khi hoàn thiện, gần như không thể phân biệt được chiếc MiG-29 mục tiêu giả làm bằng vật liệu ngụy trang rẻ tiền với máy bay tiêm kích thật, nhất là khi quan sát từ trên không.
Việc làm trên của Quân đội Nam Tư đã góp phần giảm thiểu thiệt hại vì những đợt không kích của NATO, giúp họ gần như bảo toàn nguyên vẹn lực lượng tiêm kích, đồng thời khiến đối phương phải cảm thấy "sôi ruột" sau khi biết kết quả rằng những vũ khí công nghệ cao đắt đỏ của mình đã bắn trúng mô hình chứ không phải vũ khí thật.
Theo Hải Dương (Soha/Thời Đại)