Trang Sputnik dẫn tuyên bố Giám đốc Trung tâm Phân tích thị trường Vũ khí Thế giới Igor Korotchenko cho biết, triển vọng xuất khẩu trở nên rất lớn với tiêm kích MiG-35 sau khi chiến đấu cơ này đã hoàn tất các cuộc thử nghiệm cấp nhà máy.
Vị giám đốc này cho biết, sáng 16/02, dịch vụ báo chí công ty MiG công bố đã hoàn tất các bài kiểm tra tại nhà máy của MiG-35. Biên bản thử nghiệm đã được ký vào tháng 12/2017.
Giám đốc Korotchenko nói: "Cuộc thử nghiệm thành công máy bay MiG-35 đa năng đã mở ra tiềm năng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Dựa vào đặc điểm chiến thuật và kỹ thuật, cũng như việc sử dụng rộng rãi ở nước ngoài phiên bản MiG-29, cho thấy máy bay sẽ có nhu cầu cao đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Trung Đông, Bắc Phi và Mỹ Latinh".
Theo giới thiệu của vị giám đốc này, khả năng và tính năng kỹ - chiến thuật của máy bay chiến đấu mới có thể so sánh với những loại tương tự được sản xuất hiện nay ở Pháp, Mỹ và Trung Quốc.
"Với sự phổ biến của thương hiệu MiG nhờ vào độ tin cậy, hiệu quả và hiệu suất cao, như đã thể hiện trong một loạt các cuộc xung đột khu vực, không có nghi ngờ gì về việc chiếc máy bay mới sẽ được đối tác truyền thống, cũng như các bạn hàng mới của Nga quan tâm", ông Korotchenko tuyên bố cho biết thêm rằng:
"Nỗ lực của Mỹ để ngăn chặn việc xuất khẩu vũ khí Nga mà chúng ta thấy ngày hôm nay, sẽ thất bại, vì những nước theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập sẽ lựa chọn thiết bị quân sự Nga và ràng buộc chương trình dài hạn phát triển lực lượng vũ trang của họ với Moskva".
Với tuyên bố của vị giám đốc này cho thấy, tiềm năng xuất khẩu với MiG-35 là rất lớn. Tuy nhiên, giữa tuyên bố và thực tế lại hoàn toàn khác nhau bởi tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có bất cứ khách hàng nước ngoài tuyên bố muốn mua tiêm kích thế hệ 4++ MiG-35 này của Nga.
Đặc biệt, chính Không quân Nga cũng đang rất thận trọng trong kế hoạch mua sắm MiG-35 của mình bởi theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, đến khi có biên bản hoàn thành thử nghiệm, thương vụ này mới được tính đến.
Tuyên bố trên được Phó chủ tịch về nghiên cứu của Tổng công ty Chế tạo máy bay thống nhất Nga OAK, ông Sergei Korotkov cho biết, quy trình chế tạo máy bay đã có và phải tiến hành thử nghiệm, sau khi hoàn thành thử nghiệm và có biên bản thử nghiệm cấp nhà nước, Bộ Quốc phòng nước này mới quyết định mua sắm MiG-35.
Tuyên bố của ông Sergei Korotkov cho thấy, Nga đang khá thận trọng với MiG-35, thái độ thận trọng của Nga được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng Ấn Độ gửi đánh giá của mình bằng văn bản cho cơ quan này nêu ra 14 điểm hạn chế của MiG-35.
Một trong số đó là MiG-35 lắp loại động cơ RD-33MK, cải tiến từ loại RD-33, sản xuất năm 1972. Ngoài ra, chương trình thiết kế MiG-35 vẫn chưa hoàn tất. Tuy nhiên, bất chấp những phản ánh của khách hàng và sự thận trọng trong nước, Nga vẫn ca ngợi MiG-35 là dòng tiêm kích siêu tối tân.
Theo Đan Nguyên (Đất Việt)