Tiêm kích MiG-31, có tên định danh của NATO là Foxhound, có chuyến bay thử đầu tiên vào năm 1975. Nó được tạo ra nhằm thay thế cho MiG-25. Có thể nói, bầu trời nước Nga đang được bảo vệ bởi loại máy bay "độc nhất", có thể đánh chặn bất kỳ mục tiêu nào, từ các tên lửa hành trình cho đến cả vệ tinh, trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm và ở bất kỳ tốc độ nào.
Các nhà phân tích tin rằng ở khả năng đánh chặn thì không có một loại máy bay chiến đấu nào khác có thể cạnh tranh được với tiêm kích MiG-31 của Nga trong thời gian 10 - 15 năm tới. Một nhóm tiêm kích này có thể giám sát một vùng không phận rộng lớn.
Sức mạnh của MiG-31 nhờ vào tên lửa tầm xa R-33 (NATO gọi là AA-9), tầm bắn 120 km. Kết hợp với radar Zaslon, chiếc tiêm kích hạng nặng có khả năng ngắm bắn 10 mục tiêu cùng lúc, dẫn đường cho 4 tên lửa tới 4 mục tiêu khác nhau. 4-6 tên lửa tầm trung hoặc tầm ngắn đối không cũng có thể được gắn ở dưới cánh. Máy bay còn được trang bị pháo 23 mm, cơ số đạn 260 viên.
Syria từng đặt mua 8 chiếc tiêm kích đánh chặn MiG-31 từ Nga, nhưng dưới sức ép từ Israel thương vụ này đã đổ bể, nếu không đây sẽ là loại máy bay đáng sợ nhất trong nhiệm vụ đánh chặn của không quân đất nước vùng Trung Đông này và không quân Israel sẽ không dễ dàng thực hiện các vụ không kích vào sâu lãnh thổ Syria như trong thời gian vừa qua. Hiện nay MiG-31 đã được Nga nâng cấp lên tiêu chuẩn MiG-31BM nhằm đáp ứng được những yêu cầu cao trong chiến tranh hiện đại.
Theo An Ninh Thủ Đô