Nga triển khai khí tài bơm hơi, nghi binh lừa đối phương
Quân đội Nga hoàn toàn có thể chế tạo được cả "binh chủng" xe tăng hoặc "trung đoàn" máy bay ở bất cứ nơi đâu chỉ trong khoảng 3 phút. Điều tưởng như khó tin này lại là sự thực vì chúng chính là những khí tài ngụy trang bơm hơi!
Ở Nga, những binh lính mà cả cuộc đời quân ngũ chỉ được huấn luyện và đảm trách nhiệm vụ bơm hơi xe tăng vẫn thường trở thành tâm điểm trong các cuộc đàm tiếu.
Thế nhưng, các trận chiến thực tế khác xa rất nhiều so với những gì được phản ánh trên màn ảnh hay theo cách mà người ta tưởng tượng ra nó. Được triển khai ứng dụng lần đầu tiên từ Thế chiến thứ Hai nhưng những chiếc xe tăng giả đã một lần nữa chứng tỏ được giá trị của chúng trong cuộc chiến gần đây hơn ở Nam Tư năm 1999.
Trong suốt 4 tháng đầu của cuộc chiến, các máy bay NATO ném bom Kosovo chỉ phá hủy được khoảng 20 xe tăng, 18 xe chiến đấu bộ binh và chỉ trên dưới 20 hệ thống pháo tự hành. Trong khi đó, Tổng hành dinh của NATO lại báo cáo con số hoàn toàn khác: hàng trăm xe thiết giáp hạng nặng, hạng nhẹ đã bị tiêu diệt!
Thực tế, cả trăm phương tiện thiết giáp đó hóa ra lại là những mồi bẫy cao su mà máy bay do thám của NATO không thể phân biệt nổi đâu là thực đâu là giả từ trần bay nhiều km trên cao. Hệ quả là, những quả tên lửa và bom trị giá hàng triệu USD đã ồ ạt giội xuống các mục tiêu tưởng thật nhưng lại là những cỗ xe ngụy trang bơm hơi. Quá lãng phí!
Chiến thuật nghi binh tưởng như "ngớ ngẩn" này đã khiến lãnh đạo quân sự cấp cao Nga phải chú ý. Đến giữa năm 2000 họ quyết định thử nghiệm cho các đơn vị của mình. Các xe tăng, máy bay cao su bơm hơi của Nga đã ra đời như thế.
Gần như mọi phương tiện, khí tài thật trang bị cho các lực lượng vũ trang Nga đều có những "người anh em bằng cao su". Trong số đó có tăng chiến đấu chủ lực T-72, T-80, các tiêm kích MiG-31, MiG-29 và thậm chí là hệ thống tên lửa phòng không uy lực S-300.
Ngoài các thiết bị "chiến đấu" trên còn có cả danh sách dài các phương tiện bơm hơi nghi trang hỗ trợ khác như trạm radar, xe chở quân, xe vận tải….
Một chiếc xe tăng cao su tiêu chuẩn nặng khoảng 30 km và có thể dễ dàng chống chịu được nhiều điều kiện thời tiết khác nhau như tuyết, mưa, bão… với nhiệt độ dao động từ -30 to +30°C. Về cơ bản, chúng đủ khả năng chịu đựng được tất cả những điều kiện khắc nghiệt của chiến tranh, đồng thời vẫn hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Nhiều ý kiến cho rằng, các thiết bị quân sự thực tế có thể dễ dàng bị phương tiện do thám ảnh nhiệt của đối phương phát hiện do nhiệt từ động cơ hay từ các bộ phận chuyển động khác phát ra. Và như thế, các vũ khí cao su chẳng có nghĩa lý gì.
Tuy nhiên, các kỹ sư quân sự đã giải quyết được vấn đề trên bằng cách lắp đặt bên trong các "phương tiện chiến đấu" này những thiết bị phát nhiệt đặc biệt mô phỏng hoạt động và lượng nhiệt phát ra từ vũ khí chiến đấu thật.
Điều này có nghĩa là, thậm chí vệ tinh, máy bay không người lái và nhiều hệ thống theo dõi hiện đại khác rất khó phân biệt nổi xe tăng thật hay xe tăng giả.
Bộ Quốc phòng Nga không tiết lộ hiện họ đang sở hữu bao nhiêu phương tiện ngụy trang bơm hơi. Chỉ biết rằng, năm 2017 Nga đã đẩy mạnh sản xuất các thiết bị nghi trang bơm hơi tới quy mô xuất khẩu. Hơn 1/3 "quân đội cao su" của Nga hiện đang hoạt động ở nước ngoài và chắc chắn chúng sẽ giữ vai trò chủ chốt trong sứ mệnh đánh lừa hệ thống do thám của đối phương.
Theo Trung Phạm (Soha/Trí Thức Trẻ)