Toà án Hoà Bình trả hồ sơ vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương
Ngày 18/1, tại phiên làm việc thứ 5, đại diện VKSND thành phố Hoà Bình xét hỏi bác sĩ Hoàng Công Tình (phó khoa hồi sức tích cực) về công việc của bị cáo Hoàng Công Lương ở đơn nguyên thận nhân tạo.
"Lãnh đạo khoa phân công cho bác sĩ Lương nhiệm vụ gì?", VKS hỏi. Ông Tình nói, Lương cùng các bác sĩ khác được phân công như nhau về việc điều trị ở đơn nguyên thận nhân tạo: khám chữa bệnh và được phép ra y lệnh lọc máu. Trong ba bác sĩ ở đơn nguyên, chỉ có bác sĩ Huyền và Lương được quyền ra y lệnh chạy thận bởi có chứng chỉ hành nghề.
Khi đại diện VKS công bố công văn trả lời của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình rằng, ngoài chứng chỉ hành nghề, bác sĩ phải được Sở Y tế cấp phép mới được hành nghề chuyên môn, ông Tình lập tức phủ nhận.
"Vậy, bác sĩ cần điều kiện gì để được quyền ra y lệnh lọc máu?", cơ quan công tố hỏi. Ông Tình đáp, theo Luật Khám chữa bệnh, bác sĩ cần chứng chỉ hành nghề là được quyền khám chữa bệnh và phải là bác sĩ nội khoa mới được quyền ra y lệnh lọc máu.
Cơ quan công tố nghi vấn: "Lý do gì bác sĩ Lương lại ký duyệt y lệnh lọc máu cho bác sĩ Huyền trong khi hai người có chứng chỉ và quyền ngang nhau?". Ông Tình giải thích các bác sĩ thường hội ý với nhau về chuyên môn trước khi ra y lệnh lọc máu cho bệnh nhân. Theo quy định, bác sĩ Huyền không nhất thiết phải có chữ ký của bác sĩ Lương mới được ra y lệnh.
"Vậy Lương ký để làm gì?", VKS hỏi. Ông Tình giải thích, Lương ký vào y lệnh của hai bác sĩ còn lại để chia sẻ về chuyên môn bởi bác sĩ Lương có kinh nghiệm, chuyên môn nhiều hơn. Trong nghề y, người nào có tuổi đời và kinh nghiệm hành nghề thường được người khác nhờ tư vấn.
"Vậy tại sao bác sĩ Linh và Huyền khai chưa bao giờ ký y lệnh chia sẻ với Lương?", đại diện VKS hỏi, ông Tình giải thích bác sĩ Huyền hoàn toàn có thể ký y lệnh chia sẻ với Lương song phải tuỳ vào trường hợp bởi mỗi người có thế mạnh về chuyên môn khác nhau. Tuy nhiên, không có văn bản nào quy định cụ thể về việc ai ký vào y lệnh của ai bởi đây là đặc thù của ngành y, mọi người sẽ căn cứ thực tế.
"Thực tế có hai chữ ký trong bệnh án của bác sĩ Linh và Huyền thì chữ ký nào có hiệu lực hơn?", VKS hỏi. Ông Tình nói hai chữ ký của các bác sĩ ở đơn nguyên thận nhân tạo có giá trị như nhau. Chữ ký của Lương không phải là hiệu lệnh ra y lệnh lọc máu.
Đưa ra nhiều tài liệu về bảo hiểm y tế ở toà, cơ quan công tố cho rằng, ở đơn nguyên thận nhân tạo chỉ có bác sĩ Lương ký vào giấy thanh toán bảo hiểm y tế. Trong khi đó ở đơn nguyên này Lương và Huyền đều có chứng chỉ hành nghề.
Ông Tình sau đó giải thích, bác sĩ Huyền chỉ có chứng chỉ hành nghề chứ không có chứng chỉ thận nhân tạo. Bởi vậy ở đơn nguyên thận nhân tạo chỉ bác sĩ Lương mới được ký vào giấy thanh toán bảo hiểm.
Trả lời thẩm vấn tại toà trước đó, nguyên phó giám đốc bệnh viện Hoàng Đình Khiếu nói, khoa đã đào tạo 26 bác sĩ và điều dưỡng thông qua chương trình đào tạo chuyển giao kỹ thuật thận nhân tạo ở Bệnh viện Bạch Mai. Những ai có chứng chỉ sẽ được phân công nhiệm vụ kỹ thuật.
Sau khi bác sĩ Lương đi học chuyên khoa I về Khoa Hồi sức tích cực phân công Lương xuống phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo. Lúc đó tại bệnh viện, duy nhất Lương có chứng chỉ hành nghề và chứng chỉ về thận nhân tạo.
Ông Khiếu khẳng định đã giao nhiệm vụ cho Lương phụ trách chuyên môn ở đơn nguyên thận từ cuối 2015 đầu năm 2016. Việc này được nói các cuộc họp giao ban nên không có văn bản. Các thành viên khác trong khoa dự họp đều chứng kiến việc phân công.
Trả lời thẩm vấn trước toà, bị cáo Lương cho rằng anh chỉ làm nhiệm vụ luân phiên ở đơn nguyên thận cùng các bác sĩ khác. Tuy nhiên, ông Khiếu lại cho hay, "nói công việc của Lương ở đơn nguyên thận là cố định cũng đúng". Các bác sĩ được phân công theo từng ngày và việc này do phó khoa Tình phụ trách.
Theo cáo buộc, sau khi Lương ký xác nhận vào y lệnh lọc máu của bác sĩ Linh và Huyền, điều dưỡng viên tiến hành các quy trình lọc máu. Ngay sau đó đã xảy ra sự cố do nguồn nước chạy thận không đảm bảo.
Cơ quan công tố xác định, Lương là bác sĩ duy nhất trong ba bác sĩ được phân công nhiệm vụ điều trị ở đơn nguyên lọc máu có đủ điều kiện ra y lệnh lọc máu chạy thận. Đồng thời chính y lệnh lọc máu của Lương cũng như việc anh ký xác nhận vào y lệnh của hai bác sĩ còn lại có hiệu lực quyết định với ca chạy thận cho 18 bệnh nhân. Bởi vậy, Lương phải chịu trách nhiệm về chuyên môn cao nhất trong ca điều trị ngày 29/5/2017.
Lương bị truy tố về tội Vô ý làm chết người theo khoản 2 điều 98 Bộ luật Hình sự 1999 với khung hình phạt từ ba đến 10 năm tù. Cùng hầu tòa với bị cáo Lương có Bùi Mạnh Quốc (giám đốc Công ty Trâm Anh), Trương Quý Dương (nguyên giám đốc Bệnh viện), Hoàng Đình Khiếu (nguyên phó giám đốc bệnh viện), Trần Văn Thắng (nguyên trưởng phòng vật tư), Trần Văn Sơn (cán bộ Phòng vật tư) cùng Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn).
Theo Phạm Dự (VnExpress.net)