Sau khi xét hỏi lần lượt bảy bị cáo, HĐXX tiếp tục phần thẩm vấn đối với đại diện công ty CP dược phẩm Thiên Sơn. Luật sư (LS) Nguyễn Thị Đinh Hương là người đại diện của công ty, đồng thời cũng là một trong những người bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn (giám đốc công ty).
Không hề bán thầu?
Trả lời HĐXX, LS Hương cho biết ngày 28-5-2017, Bùi Mạnh Quốc (giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh) tới BV đa khoa tỉnh Hòa Bình để thực hiện việc sửa chữa hệ thống RO số 2, theo hợp đồng số 05 ký kết giữa hai bên.
Đại diện công ty Thiên Sơn lý giải việc ký hợp đồng số 05 với công ty Trâm Anh là để thực hiện hợp đồng số 315 trước đó đã kí với BV đa khoa tỉnh Hòa Bình. Việc “sang tay” hợp đồng này, Thiên Sơn không báo với phía BV vì cho rằng mình là doanh nghiệp nên không có trách nhiệm phải báo cáo với đối tác.
Chủ tọa đặt vấn đề Luật đấu thầu có quy định cấm hành vi bán thầu, phía Thiên Sơn có thấy mình vi phạm không? LS Hương khẳng định công ty không bán thầu mà chỉ ký hợp đồng với Trâm Anh để đảm bảo các điều kiện của hợp đồng số 315.
Theo bà Hương, hợp đồng số 315 có ba phần việc gồm cung cấp vật tư, cung cấp dịch vụ và thu chi hộ, tức là một dịch vụ của đơn vị khác cung cấp.
“Một doanh nghiệp kinh doanh một mặt hàng, đương nhiên doanh nghiệp đấy có quyền kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Ví dụ như cái micro này, nếu cứ phải là sản xuất ra micro tôi mới được bán thì cả nước bán thầu…”, nữ LS nói.
Cùng với đó, đại diện công ty Thiên Sơn cũng khẳng định không cho Bùi Mạnh Quốc biết nội dung hợp đồng số 315, Quốc đến BV chỉ thực hiện công việc theo hợp đồng số 05 và báo giá giữa hai bên.
Theo LS Hương, BV đa khoa tỉnh Hòa Bình là BV công, thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Công ty Thiên Sơn là một doanh nghiệp kinh doanh, 100% vốn tư nhân, hoạt động kinh doanh để sinh lợi nhuận, phục vụ lợi ích của công ty chứ không phục vụ lợi ích của BV.
Chỉ nghiệm thu bằng kết quả
HĐXX tiếp tục xoáy sâu nội dung tiến hành sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO số 2. Chủ tọa hỏi khi Bùi Mạnh Quốc đến BV để sửa chữa, phía Thiên Sơn có cảnh báo gì không?
LS Hương khẳng định công ty Trâm Anh có đầy đủ năng lực và Quốc là người có kinh nghiệm để thực hiện việc này, do vậy Thiên Sơn không có nghĩa vụ phải nhắc nhở đối tác của mình làm việc.
Đồng thời, Thiên Sơn cũng không yêu cầu Quốc sử dụng chất gì để sục rửa mà chỉ nghiệm thu bằng kết quả công việc. Nghĩa là, Quốc phải làm đầy đủ nội dung và chịu trách nhiệm với Thiên Sơn theo hợp đồng số 05. Nếu thấy Quốc đã thực hiện đầy đủ, đúng quy định của hợp đồng , công ty mới nghiệm thu và thanh lý hợp đồng.
Trả lời câu hỏi Thiên Sơn có nghĩa vụ cử người giám sát Quốc trong quá trình sữa chữa hay không, LS Hương vẫn khẳng định công ty chỉ kiểm tra Quốc bằng kết quả công việc. Kể từ thời điểm Quốc đến BV làm việc cho đến khi phía công ty nhận thông tin xảy ra sự cố, Quốc chưa có bất kỳ thông báo gì về việc đã làm tới đâu. Phía công ty cũng tin là Quốc chưa thực hiện xong công việc.
Đại diện công ty Thiên Sơn còn cho rằng BV đa khoa tỉnh Hòa Bình có hai hệ thống RO số 1 và RO số 2, đáp ứng đủ nhu cầu chạy thận cho 19 máy chạy thận. Trong trường hợp không thể dùng một hệ thống, BV phải di chuyển bệnh nhân đi chỗ khác. Nếu vẫn sử dụng cả hai hệ thống khi chưa bàn giao sửa chữa thì thảm họa sẽ xảy ra liên tục chứ không phải chỉ xảy ra một lần.
“Điều này là trách nhiệm thuộc về BV, thuộc về những người thực hiện các nội dung cụ thể của BV, công ty Thiên Sơn không có quyền can thiệp và cũng không thể can thiệp” – LS Hương nói.
Dùng hóa chất gì miễn đảm bảo chất lượng nước
Trước đó, bị cáo Đỗ Anh Tuấn (giám đốc công ty CP dược phẩm Thiên Sơn) khai trước tòa đã nhiều lần hợp tác với BV đa khoa tỉnh Hòa Bình về sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống máy móc, trong đó nhiều lần phải xét nghiệm mẫu nước theo tiêu chuẩn AAMI.
Trả lời câu hỏi công ty có nhắc nhở, cảnh báo BV cần phải đợi kết quả xét nghiệm nước thì mới vận hành hệ thống không? Bị cáo cho rằng khi đã đưa nội dung xét nghiệm nước vào hợp đồng thì hai bên buộc phải nhận thức rõ sau khi chất lượng nước bảo đảm thì mới được đưa vào sử dụng, việc đợi kết quả là bắt buộc.
Về vấn đề cử người giám sát Bùi Mạnh Quốc trong quá trình sửa chữa, ông Tuấn cũng có câu trả lời giống như LS Nguyễn Thị Đinh Hương, rằng công ty đánh giá trên hiệu quả công việc, khi nào có kết quả xét nghiệm nước đạt yêu cầu thì mới bàn giao.
Giám đốc công ty Thiên Sơn cho rằng Quốc lựa chọn hóa chất gì để tẩy rửa là phụ thuộc vào kinh nghiệm của bản thân chứ trong hợp đồng không thể hiện rõ là sử dụng loại nào. Điều quan trọng, Quốc sử dụng hóa chất gì miễn là sạch được hệ thống, kết quả xét nghiệm đảm bảo yêu cầu.
Ông Tuấn còn khẳng định Bùi Mạnh Quốc là người giỏi, đủ khả năng, trình độ để làm việc này, bởi Quốc từng hợp tác với Thiên Sơn rất nhiều lần.
Thời điểm xảy ra sự cố, công ty Thiên Sơn chưa bàn giao cho BV dưới bất cứ hình thức nào, nhưng BV đã tự ý đưa hệ thống lọc nước RO số 2 vào sử dụng.
Theo Tuyến Phan (Pháp Luật TP.HCM)