"Bị cáo không đổ lỗi cho ai cả"
"Bị cáo không đổ lỗi cho ai cả"
Sáng 16.1, HĐXX tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án chạy thận Hòa Bình khiến 9 người tử vong.
Là người trả lời đầu tiên, bị cáo Bùi Mạnh Quốc - Giám đốc Công ty Xử lý nước Trâm Anh được đại diện VKS hỏi nhiều về việc quá trình kiểm tra màng RO số 2. Về vấn đề này, Bùi Mạnh Quốc cho biết, khi kiểm tra màng RO, Quốc không rút màng RO ra kiểm tra, mà chủ yếu đánh giá lưu lượng, chất lượng nước và việc vận hành.
Quốc cho biết, hệ thống RO số 2 được sục rửa tương đối nhiều. Hệ thống RO số 2 có 4 màng, thời điểm thay màng RO, bị cáo đề xuất Công ty Thiên Sơn thay cả 4 màng cho đảm bảo, nhưng phía Thiên Sơn nói chỉ thay 2 màng RO, giữ được màng RO nào thì giữ.
VKS hỏi: “Bị cáo đã bao giờ tẩy rửa màng RO chưa?”. Quốc nói: “Bị cáo đã tẩy rửa nhiều lần và các lần đều giống nhau. Lần này bị cáo chỉ vệ sinh và thay màng RO bằng phương pháp cơ học ngoài màng. Những lần trước bị cáo dùng trực tiếp hóa chất để tiệt trùng ống tuần hoàn”.
Trước bục khai báo, Quốc cho biết, thời điểm ký hợp đồng số 05 giữa Thiên Sơn và Công ty xử lý nước Trâm Anh tại nhà xe của Đơn nguyên thận nhân tạo – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
“Sau khi sự cố xảy ra, bản thân bị cáo là người trực tiếp sửa chữa hệ thống RO số 2 nên tinh thần rất hoang mang, không để ý gì nữa. Về sau, khi làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra mới biết giá trị hợp đồng, hình như là 70 triệu đồng”, Quốc nói đồng thời cho biết, không được ông Đỗ Anh Tuấn cho biết hợp đồng 315.
Quốc khai tiếp, sáng 30.5.2017, sau khi sự cố xảy ra, bị cáo đến công ty Thiên Sơn, mang con dấu sang để đóng dấu hợp đồng số 05.
Được một lúc thì Cơ quan Cảnh sát điều tra đến và bắt bị cáo ngay tại Công ty Thiên Sơn. Cơ quan điều tra yêu cầu bị cáo làm tường trình ngay tại Công ty Thiên Sơn. Sau đó bị cáo được di lý về nhà ở Bắc Ninh lấy các mẫu xét nghiệm nước và giấy tờ liên quan, rồi đưa về Hòa Bình.
Đại diện VKS hỏi bị cáo nhận thức thế nào khi sự việc đau lòng xảy ra, Bùi Mạnh Quốc cho hay, trong quá trình sửa chữa máy lọc nước RO, bị cáo chưa để xảy ra trường hợp đau lòng nào. Tuy nhiên, khi sự cố y khoa xảy ra, đó là lỗi của bị cáo. Bị cáo có lỗi không ngăn cản kịp thời, bị cáo không đổ lỗi cho ai cả.
Bị cáo rất bất ngờ với lời khai của Hoàng Công Lương
Tiếp tục phần xét hỏi, bị cáo Trần Văn Sơn cho biết, làm việc ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình từ năm 2013, đến năm 2015 thì hết hợp đồng nhưng vẫn bệnh viện làm việc. Sơn khai được học một lớp quản lý về trang thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai. Vào thời điểm 28.5.2017, Trần Văn Sơn chuẩn bị làm đồ án tốt nghiệp, hệ vừa học vừa làm.
Trước bục khai báo, Sơn cho biết, không được thực hiện nhiệm vụ gì ở Đơn nguyên lọc máu, bởi nhiệm vụ của anh là quản lý máy móc, trang thiết bị ở Phòng vật tư. Chính vì vậy, khi bị cáo Hoàng Công Lương nói “trách nhiệm của Sơn là quản lý nước” vào chiều qua (15.1) khiến Trần Văn Sơn rất bất ngờ.
Sơn nói: “Bị cáo không có chuyên môn về quản lý nước nên không thể nói có trách nhiệm được. Thời điểm công tác ở bệnh viện, bị cáo có nghe nói Đơn nguyên thận nhân tạo có một kỹ sư riêng biệt, trực chính ở khoa. Bị cáo biết vậy thôi, chứ nói bị cáo phải chịu trách nhiệm chất lượng nước thì bị cáo bất ngờ, không thuyết phục”.
Cũng theo Trần Văn Sơn, ngay sau khi sự cố xảy ra, Sơn đã khóa cửa phòng xử lý nước RO số 2. Lý do khóa phòng, nam bị cáo nói “không muốn ai vào phòng” để Sơn và điều dưỡng Nguyễn Thu Hằng đi lấy mẫu nước.
Để xảy ra sự cố này, bị cáo Trần Văn Sơn cho biết cảm thấy rất có lỗi. Sơn thú nhận lỗi của bản thân là thiếu trách nhiệm trong công việc.
Theo Cường Ngô (Lao Động)