Trong phiên xử chiều 16-1, đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình được HĐXX yêu cầu tham gia phần thẩm vấn. Ngoài các chi tiết về tính pháp lý khi thành lập đơn nguyên thận nhân tạo, đại diện VKS cùng các luật sư cũng đưa ra hàng loạt câu hỏi liên quan đến việc xử lý sau khi sự cố xảy ra.
Không nhất thiết phải xét nghiệm AAMI?
Bà Bùi Thu Hằng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, cho biết sau khi sự cố chạy thận xảy ra đã có cuộc họp Hội đồng chuyên môn của sở do bà là chủ tịch. Cuộc họp này có 7 người, gồm các cán bộ có liên quan, có hiểu biết về lĩnh vực chạy thận, trong đó có 4 chuyên gia của BV Bạch Mai.
“Hội đồng chuyên môn khi đó chưa đưa ra kết luận về nguyên nhân, nhưng khẳng định đây không phải là sốc phản vệ, sốc phản vệ không thể xảy ra hàng loạt như thế” – bà Hằng thuật lại.
Sau này, theo kết luận của Hội đồng chuyên môn, quy trình chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình đúng theo quy trình BV Bạch Mai đã chuyển giao. Nguyên nhân là ngộ độc qua đường máu, liên quan đến chất lượng nguồn nước RO.
Đại diện Sở Y tế tỉnh Hòa Bình đánh giá hướng xử lý sự cố của BV đa khoa tỉnh Hòa Bình là đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật.
Tiếp đó, LS Trần Hồng Phúc, người bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương, đặt câu hỏi trong sự cố ngày 29-5, Lương có sai sót gì về chuyên môn không? Bà Hằng cho rằng Lương và các bác sĩ khác đã thực hiện phù hợp với diễn biến của bệnh nhân đang chạy thận lọc máu, không sai về quy trình. Còn các vấn đề khác có đúng quy trình hay không còn phải phụ thuộc vào phân công của lãnh đạo BV.
Vị phó giám đốc cũng khẳng định bác sĩ điều trị thì chỉ phải chịu trách nhiệm ra y lệnh, chữa trị. Ngoài ra, điều dưỡng cũng phải kiểm tra nguồn nước, tuy nhiên triển khai như thế nào do BV phân công.
Đáng chú ý, bà Hằng đưa ra nhận định rằng không nhất thiết phải tiến hành xét nghiệm AAMI sau sửa chữa hệ thống RO. Bởi đây là tiêu chuẩn của Mỹ, việc xét nghiệm cần từ 10 đến 14 ngày nên không BV nào có thể chờ được.
Trước đó, bà Nguyễn Thu Hằng, điều dưỡng viên tại đơn nguyên thận nhân tạo, cũng nói từ trước đến nay chưa bao giờ biết đến việc xét nghiệm AAMI; kể từ ngày thành lập đơn nguyên chưa nghe ai nói phải xét nghiệm nước sau đó mới được đưa vào sử dụng.
Trưởng phòng và thuộc cấp có lời khai mâu thuẫn
LS Nguyễn Thị Thuý Kiều, người bào chữa cho Hoàng Công Lương, đặt câu hỏi đối với bị cáo Trương Quý Dương (cựu giám đốc BV) về việc lấy báo giá cạnh tranh cho hạng mục sửa chữa hệ thống RO số 2.
Trả lời về việc tại sao lựa chọn công ty CP dược phẩm Thiên Sơn, cựu giám đốc cho biết việc này là do "chỉ định thầu rút gọn, không mời thầu rộng rãi".
LS tiếp tục đặt vấn đề tại sao "không mời thầu rộng rãi" nhưng lại có nhiều báo giá do các công ty khác nhau gửi đến BV, bị cáo Dương không trả lời mà cho rằng câu hỏi này nên dành cho phòng Vật tư và thiết bị y tế, bởi đó là trách nhiệm của cấp dưới.
Đáng chú ý, LS còn đưa ra một hợp đồng ký giữa công ty CP dược phẩm Thiên Sơn và BV đa khoa tỉnh Hòa Bình vào ngày 10-8-2016, cũng về việc bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống RO.
Trần Văn Sơn (cựu cán bộ phòng Vật tư) khai rằng thời điểm này mình đang đi học. Trước khi đi, bị cáo đã báo cáo với trưởng phòng vật tư (bị cáo Trần Văn Thắng – PV) và lãnh đạo BV. Việc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO thường diễn ra vào các ngày cuối tuần, mà trong những ngày này thì bị cáo đều đang đi học nên không thể biết.
Tuy nhiên, ngay sau đó, bị cáo Trần Văn Thắng lại cho biết Sơn đi học theo lớp vừa học vừa làm và đang trong quá trình thực hiện đồ án tốt nghiệp tại nhà, do đó công việc tại phòng Vật tư vẫn diễn ra như bình thường.
“Vào các ngày cuối tuần, Sơn vẫn đảm nhiệm công việc được giao và không có gì thay đổi” – bị cáo Thắng nói.
Trần Văn Sơn một lần nữa có lời khai mâu thuẫn với người từng là cấp trên của mình. "Hầu như việc sửa chữa diễn ra vào cuối tuần để đảm bảo không ảnh hưởng nhiều đến công việc khám chữa bệnh, do vậy bị cáo không thể có mặt vì đang đi học" – Sơn khẳng định.
Theo Tuyến Phan (Pháp Luật TP.HCM)