Hệ thống nước RO số 2 được sửa chữa theo bản hợp đồng số 315 giữa BVĐK Hòa Bình do ông Trương Quý Dương, GĐ BV đứng tên ký với Công ty Thiên Sơn do ông Đỗ Anh Tuấn làm giám đốc. Thiên Sơn 'bán thầu' lại cho Công ty Trâm Anh do Bùi Mạnh Quốc làm giám đốc, và Quốc là người trực tiếp thực hiện sửa chữa.
Khi sửa chữa, Quốc đã sục rửa màng RO bằng hóa chất, hóa chất này còn tồn dư, đi vào đường nước RO cấp cho bệnh nhân chạy thận, làm 9 người tử vong. Theo kết quả điều tra, người được xác định là đầu mối (của BVĐK Hòa Bình) trực tiếp phối hợp với Quốc là Trần Văn Sơn - nhân viên phòng vật tư.
Nhưng Sơn khai trước tòa, bị cáo này không hề được giao giám sát về chuyên môn.
Bùi Mạnh Quốc nói "lỗi ai người đó phải chịu", Trần Văn Sơn khai thông tin bất ngờ
Tại phiên tòa sáng 16/1, đại diện Viện kiểm sát đã yêu cầu các bị cáo cần làm rõ một số tình tiết liên quan tới vụ án hình sự khiến 9 người chết tại BV Đa khoa Hòa Bình.
Bị cáo Bùi Mạnh Quốc nói với HĐXX: "12 năm trong ngành thiết bị y tế, máy chạy thận, nước dành cho y tế, nước uống, chưa bao giờ xảy ra sự cố đau lòng. Bị cáo nhận lỗi của bị cáo đã không ngăn cản kịp thời. Tuy nhiên, lỗi của ai thì người đó phải chịu".
Về phía Trần Văn Sơn, bị cáo này khai từng được học lớp quản lý trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai là 5 ngày, chưa bao giờ được giao giám sát sửa chữa hệ thống RO. Sơn chỉ làm nhiệm vụ gặp Quốc để đối chiếu danh mục sửa chữa hàng hóa có đúng theo báo giá hay không, ngày 28/5/2017 Sơn cũng làm công việc nói trên như thường lệ.
Sơn khẳng định một lần nữa chỉ lập để nghị mua sắm, sửa chữa, báo giá, nhưng không lập vào ngày 20/4/2017. Ngày Sơn lập đề nghị nêu trên là vào tháng 5 chứ không phải tháng 4/2017. Trong nội dung báo giá có hạng mục xét nghiệm AAMI.
Về quy trình vận hành RO bị cáo Sơn chưa từng thấy quy trình, Sơn cũng không biết đến hợp đồng 315 (ký với Công ty với Thiên Sơn).
Sau khi sự cố xảy, Sơn ra khoá phòng xử lý nước RO số 2 vì không muốn ai vào. Khi khóa cửa xong Sơn và điều dưỡng viên Nguyễn Thu Hằng đi lấy mẫu nước ở hai điểm bằng xi lanh và băng kín, ghi các điểm lấy mẫu nước. Sau khi lấy mẫu nước được dán kín về để ở phòng hành chính.
"Bị cáo có lỗi thiếu trách nhiệm trong công việc xảy ra sự cố", Sơn thừa nhận hành vi của mình trước tòa.
Bị cáo Đỗ Anh Tuấn không trả lời nhiều câu hỏi của VKS
Trong phần xét hỏi đối với bị cáo Đỗ Anh Tuấn (khi xảy ra vụ án là giám đốc Công ty Thiên Sơn), VKS muốn làm rõ về các vấn đề liên doanh liên kết giữa Công ty Thiên Sơn với BVĐK tỉnh Hoà Bình về việc giám sát thực hiện Hợp đồng 315.
Bị cáo Tuấn liên tục không trả lời thẳng vào các câu hỏi của VKS. Mặc dù công nhận mình là người đứng tên ký hợp đồng liên doanh liên kết với BVĐK tỉnh Hoà Bình cho thuê máy lọc máu, nhưng theo ông Tuấn mình chỉ là người đại diện ký, còn Công ty Thiên Sơn là bên triển khai các nội dung cụ thể trong hợp đồng.
Đại diện VKS hỏi giá cho thuê máy là 7,7 đô/1 ca chạy thận thì Thiên Sơn thu được lợi nhuận bao nhiêu mỗi ca, ông Tuấn không trả lời mà đề nghị VKS hỏi người đại diện hiện tại của Công ty Thiên Sơn.
Khi VKS hỏi trong hợp đồng liên doanh liên kết có ràng buộc là phải chuẩn bị đội ngũ BS, kỹ thuật viên được đào tạo, bị cáo có nắm được là bệnh viện không có kỹ thuật viên hay không, thì bị cáo Tuấn cho rằng đó là việc của BV, phía Thiên Sơn chỉ đặt máy cho thuê nên không cần biết điều này.
Ông Tuấn cũng khai, trong quá trình sửa chữa, bị cáo Bùi Mạnh Quốc (được ông Tuấn chuyển gói thầu ký với BVĐK Hòa Bình để Quốc thực hiện) chưa hề thông báo, báo cáo quá trình sửa chữa đến đâu.
Về việc kiểm tra nguồn gốc vật tư thay thế, ông Tuấn cũng không nắm được mà đề nghị VKS hỏi đại diện của Công ty Thiên Sơn hiện nay và nói: "Tôi chỉ là đại diện công ty ký hợp đồng, còn việc thực hiện hợp đồng thì tôi nhiều công việc không nắm bắt được tất cả mọi việc".
Kết thúc việc đặt câu hỏi với bị cáo Đỗ Anh Tuấn, đại diện VKS bày tỏ sự ngạc nhiên: "Bị cáo là người đại diện của Công ty Thiên Sơn nhưng chỉ ký hợp đồng mà không nắm được nội dung gì, mà phải chờ cấp dưới báo cáo lại sao?"
VKS cáo buộc trách nhiệm, Trưởng phòng Vật tư BV Đa khoa Hòa Bình phản đối
Trả lời VKS, bị cáo Trần Văn Thắng, Trưởng Phòng Vật tư, trang thiết bị y tế - BVĐK Hòa Bình thêm một lần nữa xác nhận, chưa từng cầm tay Hợp đồng 315. Ông Thắng thực hiện công việc theo báo giá, dựa vào công việc của Phòng, còn việc nắm bắt công việc thực hiện thực hiện ra sao vào các buổi giao ban nhân viên cấp dưới sẽ báo cáo.
Theo ông Thắng, việc sửa chữa và sửa dụng nước là hoàn toàn khác nhau. Y bác sĩ được đào tạo lọc máy và xử lý nước trong lọc máu. Tuy nhiên, hệ thống RO số 2 không được ban giao cho đơn nguyên chạy thận. Vì hệ thống RO số 2 không phải là thiết bị mới, đã được đưa vào sử dụng năm 2011, nên việc bàn giao là không cần thiết.
Bị cáo Thắng cho biết, bị cáo này và nhiều người đều biết đơn nguyên lọc máu không chờ kết quả xét nghiệm đã đưa vào lọc máu. Nhưng khi đại diên VKS hỏi vì sao không cảnh báo, thì ông Thắng trả lời, trách nhiệm của phòng Vật tư y tế là giám sát thực hiện việc sửa chữa, việc sửa chữa và sử dụng là 2 việc khác nhau, bị cáo không có thẩm quyền nên không cảnh báo.
Ông Thắng nói: "Trách nhiệm là người bảo dưỡng sửa chữa tổ chức triển khai hết khả năng của mình. Không chỉ bị cáo, CBCNV liên quan tới vụ việc dù nhiều hay ít đều có trách nhiệm khi sự việc xảy ra".
VKS cho rằng, 2 việc này có quan hệ với nhau, nếu không cảnh báo sẽ có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh nên cần phải cảnh báo. Đại diện của VKS chỉ rõ đó là trách nhiệm của bị cáo Thắng.
Tuy nhiên, khi VKS hỏi bị cáo Thắng nhận thức thế nào về trách nhiệm của mình thì ông Thắng vẫn khẳng định mình đã làm hết chức trách, nhiệm vụ và đề nghị HĐXX làm rõ nguyên nhân xảy ra sự cố.
Theo Nhóm Phóng viên (Soha/Trí Thức Trẻ)