Chủ tịch Công ty dược Sơn Lâm huy động vợ, con chuyển hàng chục tỷ tiền hối lộ để 'không bị gây khó dễ'

17/05/2025 06:40:43

Quá trình Công ty Sơn Lâm cung cấp thuốc vào một số bệnh viện, trung tâm y tế, theo yêu cầu của các các nhân có thẩm quyền, ông Cách đã đưa hối lộ để không bị gây khó khăn...

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra đề nghị truy tố 23 bị can trong vụ xảy ra tại Công ty cổ phần Y dược LanQ và các đơn vị liên quan.

Trong đó, ông Phạm Văn Cách, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dược Sơn Lâm đưa hối lộ hơn 71 tỷ đồng và cấu kết cùng bị can Nguyễn Mạnh Quyền, Tổng Giám đốc Công ty LanQ lừa đảo chiếm đoạt hơn 18 tỷ đồng của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bắc Giang và của người dân cùng chi trả.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định, ông Cách đã phải đưa hối lộ số tiền đặc biệt lớn này theo yêu cầu của những cá nhân có thẩm quyền để công ty không bị gây khó khăn trong quá trình thực hiện các hợp đồng cung cấp thuốc.

Chủ tịch Công ty dược Sơn Lâm huy động vợ, con chuyển hàng chục tỷ tiền hối lộ để 'không bị gây khó dễ'
Bị can Phạm Văn Cách (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dược Sơn Lâm)

Người nhận số tiền hối lộ "khủng" nhất được xác định là bị can Huỳnh Nguyễn Lộc, Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TPHCM, với con số lên tới hơn 47 tỷ đồng.

Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2017 đến năm 2023, Công ty Sơn Lâm đã trúng thầu, ký kết và thực hiện 10 hợp đồng cung cấp dược liệu phục vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho Viện Y dược học dân tộc TPHCM với tổng giá trị hóa đơn hơn 232 tỷ đồng. Trong quá trình này, từ năm 2018 đến năm 2023, ông Lộc đã yêu cầu ông Cách phải chi tiền "chi phí hoa hồng" dao động từ 20-25% giá trị hóa đơn.

Thời điểm nhận tiền thường diễn ra sau mỗi đợt Viện thanh toán tiền mua dược liệu hoặc khi ông Lộc có nhu cầu tiền gấp. Để đảm bảo công việc không bị cản trở, ông Cách đã đồng ý và thậm chí phải huy động cả con dâu, vợ, cháu để chuyển tiền hối lộ cho cựu Viện trưởng.

Tiền được chuyển trực tiếp cho ông Lộc hoặc thông qua ông Phạm Văn Chuân, nhân viên của Viện và là người được ông Lộc tin tưởng. Ông Chuân nhận tiền theo nhiều cách, bao gồm chuyển khoản ngân hàng từ người thân và nhân viên ông Cách (tổng hơn 26,8 tỷ đồng), nhận trực tiếp tại cổng Viện hoặc ngân hàng từ nhân viên Công ty Sơn Lâm (tổng 4,7 tỷ đồng), nhận tại phòng làm việc (tổng 600 triệu đồng).

Con trai ông Cách cũng 3 lần mang tổng 4,5 tỷ đồng đưa cho ông Chuân, và bản thân ông Cách cũng 10 lần đưa tổng cộng 10 tỷ đồng cho ông Chuân. Sau khi nhận, ông Chuân sẽ đưa lại tiền cho ông Lộc hoặc theo chỉ đạo của ông Lộc đưa cho Huỳnh Chí Cường (em rể ông Lộc) hoặc Nguyễn Hữu Tài (nhân viên Viện).

Ngoài Viện Y dược học dân tộc TPHCM, hoạt động "bôi trơn" của Công ty Sơn Lâm còn diễn ra tại nhiều địa phương khác. Tại Bệnh viện Y Dược cổ truyền tỉnh Hưng Yên, từ năm 2014 đến năm 2019, Công ty Sơn Lâm trúng 6 hợp đồng cung cấp vị thuốc cổ truyền tổng giá trị hơn 21 tỷ đồng.

Từ năm 2018 đến năm 2019, bà Quách Thị Lịch - Trưởng phòng Tài chính Kế toán, người có vai trò trong việc kiểm nhập và thanh quyết toán, đã yêu cầu ông Cách đưa "chi phí hoa hồng" 10-15% hóa đơn. Ông Cách đã chỉ đạo con dâu chuyển tổng hơn 500 triệu đồng vào tài khoản bà Lịch.

Tương tự, tại Trung tâm Y tế huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, trong giai đoạn 2017-2021 với 4 hợp đồng tổng giá trị hơn 4,2 tỷ đồng, ông Cách đã chi 500 triệu đồng tiền "phí hoa hồng" cho bà Vũ Thị Ngát (giám đốc Trung tâm khi đó). Tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối và Trung tâm Y tế huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, sau khi trúng thầu, ông Cách cũng phải chi "phí hoa hồng" 10-12% hóa đơn và chỉ đạo con dâu nhiều lần chuyển tiền cho người liên quan để "thuận việc làm ăn". Tại Thái Nguyên, ông Cách cũng đã chi 10 tỷ đồng cho bà Trương Thị Thu Hương, giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Thái Nguyên.

Cơ quan An ninh điều tra xác định ông Phạm Văn Cách đã có hành vi thỏa thuận và đưa hối lộ tổng cộng hơn 71 tỷ đồng. Ngoài tội Đưa hối lộ, ông Cách còn bị đề nghị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do cấu kết với bị can Nguyễn Mạnh Quyền - Tổng Giám đốc Công ty LanQ, lừa đảo chiếm đoạt hơn 18 tỷ đồng của Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bắc Giang và của người dân cùng chi trả.

Tổng cộng 23 bị can đã bị đề nghị truy tố trong vụ án này. Trong đó, 17 người bị đề nghị truy tố tội Nhận hối lộ, bao gồm các cá nhân chủ chốt như ông Huỳnh Nguyễn Lộc, bà Trương Thị Thu Hương, bà Quách Thị Lịch và ông Phạm Văn Chuân cùng một số cá nhân khác. Vụ án cho thấy mức độ nghiêm trọng của tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực y tế, gây ảnh hưởng lớn đến niềm tin của người dân.

(Tổng hợp)

PV (SHTT)

Nổi bật