World Press Photo ngừng ghi nhận Nick Út là tác giả bức ảnh 'Em bé Napalm'

16/05/2025 21:34:06

Sau hơn 50 năm được vinh danh, quyền tác giả của bức ảnh 'Em bé Napalm' lại bị đặt nghi vấn, World Press Photo tạm dừng công nhận Nick Út là tác giả.

Bức ảnh Nỗi kinh hoàng của chiến tranh (The Terror of War), thường được biết đến với tên gọi Em bé Napalm, là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng mạnh mẽ nhất về sự tàn khốc của chiến tranh. Tác phẩm này đã xuất sắc giành giải thưởng Ảnh Báo chí Thế giới của năm 1973 (World Press Photo of the Year) và từ đó đến nay, quyền tác giả luôn được công nhận thuộc về nhiếp ảnh gia Nick Út (Huỳnh Công Út) của hãng tin Associated Press (AP). Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây đã làm dấy lên nghi ngờ nghiêm trọng, khiến World Press Photo phải có động thái chính thức.

Theo thông tin từ The VII Foundation, một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực ảnh báo chí và truyền thông, nghiên cứu mới của họ được tiết lộ trong bộ phim tài liệu The Stringer (ra mắt tháng 1/2025) nghi ngờ rằng nhiếp ảnh gia Nick Út không phải là người trực tiếp chụp bức ảnh lịch sử này. Đây là một tuyên bố gây chấn động, thách thức sự thật đã được chấp nhận suốt nhiều thập kỷ.

World Press Photo ngừng ghi nhận Nick Út là tác giả bức ảnh 'Em bé Napalm'
Nhiếp ảnh gia Nick Út trong bức ảnh chụp với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi nhận Huân chương Nghệ thuật tại Nhà Trắng. Ảnh: Facebook Nick Út

Trước thông tin đầy bất ngờ này, tổ chức World Press Photo quyết định không bỏ qua. Một cuộc điều tra chính thức đã được khởi động và diễn ra từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2025 để xem xét lại toàn bộ bằng chứng và làm rõ nghi vấn về quyền tác giả.

Phân tích từ báo cáo điều tra cho thấy, dựa trên các yếu tố kỹ thuật như vị trí đứng của nhiếp ảnh gia tại thời điểm bấm máy, khoảng cách tới chủ thể bức ảnh và loại máy ảnh được sử dụng vào ngày hôm đó, có khả năng nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ đã ở vị trí thuận lợi hơn để ghi lại khoảnh khắc bi thương đó, thay vì Nick Út.

Dựa trên những nghi ngờ có cơ sở phát sinh từ cuộc điều tra này, tổ chức World Press Photo đã đưa ra một quyết định quan trọng, tạm dừng việc công nhận quyền tác giả của bức ảnh Em bé Napalm là nhiếp ảnh gia Nick Út.

Tuy nhiên, theo Joumana El Zein Khoury, giám đốc World Press Photo, quyết định tạm dừng công nhận chỉ áp dụng cho quyền tác giả. Bản thân bức ảnh Em bé Napalm vẫn được công nhận hoàn toàn về tính xác thực, ý nghĩa lịch sử sâu sắc và tác động to lớn của nó đối với thế giới. Giải thưởng World Press Photo của năm 1973 dành cho tác phẩm này, vinh danh một khoảnh khắc quan trọng của thế kỷ 20, chính là một sự thật không thể phủ nhận.

Quyền tác giả của bức ảnh hiện đang trong tình trạng bị tạm dừng công nhận và tiếp tục được xem xét. Đây là một phần lịch sử còn gây nhiều tranh cãi, và tổ chức World Press Photo thừa nhận rằng có khả năng tác giả thực sự của bức ảnh sẽ không bao giờ được xác nhận một cách tuyệt đối và đầy đủ. Quyết định tạm dừng công nhận quyền tác giả Nick Út sẽ được duy trì cho đến khi có bằng chứng rõ ràng và thuyết phục chứng minh điều ngược lại.

Trong diễn biến liên quan, hồi đầu năm nay, hãng tin AP cũng đã công bố kết quả cuộc điều tra riêng dài 23 trang, diễn ra trong 6 tháng, xác định ông Út "có khả năng đã chụp ảnh". Hãng cho biết "không tìm thấy bằng chứng xác đáng cho thấy người khác chụp", nên không thay đổi tác quyền bức ảnh. Theo điều tra của AP, ông Nghệ là người duy nhất cho rằng ông Út không chụp bức ảnh trong số 10 người có mặt ở hiện trường hôm đó.

Về phía Nick Út, khi được hỏi về những nghi ngờ này, ông đã khẳng định : "Không ai có thể thay đổi được sự thật tôi là tác giả Em bé Napalm. Đồng thời, nhiếp ảnh gia cũng bác bỏ hoàn toàn thông tin rằng tác giả bức ảnh là một tài xế của NBC News vào thời điểm đó. Ông giải thích rằng lúc bấy giờ, ông có tài xế và xe riêng, chính chiếc xe đó đã được ông dùng để đưa cô bé Kim Phúc, nhân vật trung tâm trong bức ảnh, đi cấp cứu.

Ông Nick Út cũng bày tỏ sự ngạc nhiên về thời điểm nghi vấn này được đưa ra. Bức ảnh đã nổi tiếng và được công nhận quyền tác giả của ông Út gần 53 năm qua. Ông đặt câu hỏi vì sao những người đưa ra tuyên bố mới không hỏi ông trực tiếp trước đây, đặc biệt khi ông từng nhiều lần gặp gỡ những người tự nhận đã chụp bức ảnh này ở cả Việt Nam và Mỹ. Ông cũng chỉ ra rằng hầu hết các nhân chứng là nhà báo cùng thời với ông nay đều đã qua đời hoặc ở độ tuổi 80-90, không còn đủ sức khỏe và minh mẫn để làm chứng.

Nhiếp ảnh gia Nick Út nghi ngờ rằng mục đích đằng sau việc đưa ra những nghi vấn này là để tạo scandal và tìm kiếm sự nổi tiếng. Tuy nhiên, ông bày tỏ sự tự tin và không hề cảm thấy sợ hãi hay phiền muộn. Ông cho biết cô Kim Phúc, người đã trở thành biểu tượng trong bức ảnh, cùng với bạn bè ông trên khắp thế giới đều đứng về phía ông và bảo vệ quyền tác giả của ông.

Theo Lê Nguyên (SHTT)

Nổi bật