Moody's hạ mức tín nhiệm Mỹ, Nhà Trắng phản ứng mạnh

17/05/2025 09:39:05

Moody's hôm 16/05 đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ mức cao nhất (AAA) xuống AA1.

Moody's hạ mức tín nhiệm Mỹ, Nhà Trắng phản ứng mạnh

Đây là một sự kiện đáng chú ý, khiến nhiều người đặt câu hỏi về mức độ tin cậy của Mỹ với tư cách là quốc gia đi vay hàng đầu thế giới. Moody's là tổ chức xếp hạng lớn thứ ba, sau Fitch Ratings và S&P Global Ratings, đưa ra động thái tương tự đối với nền kinh tế Mỹ.

Lý do được Moody's đưa ra là dù kinh tế và tài chính Mỹ rất mạnh, nhưng điều đó không đủ bù đắp cho sự suy giảm của các chỉ số tài chính. Cụ thể, trong hơn mười năm qua, nợ công của Mỹ đã tăng đáng kể do thâm hụt ngân sách liên tục, cùng với áp lực từ lãi suất cao hơn.

Phản ứng về việc này, ông Steven Cheung, người phát ngôn của Tổng thống Donald Trump, đã chỉ trích ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế tại Moody's Analytics, cáo buộc ông này thường xuyên phê bình chính sách của chính quyền Mỹ và cho rằng những phân tích của ông Zandi không đáng tin cậy.

Cựu kinh tế trưởng của Hội đồng Kinh tế Quốc gia Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump, ông Joe Lavorgna, cũng bày tỏ sự ngạc nhiên về thời điểm Moody's công bố quyết định hạ bậc tín nhiệm. Ông cho rằng dự báo tăng trưởng doanh thu của Moody's là "quá bi quan" và việc này sẽ khiến những người quan tâm đến vấn đề tài chính trở nên thận trọng hơn về triển vọng kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Tổng thống Trump vẫn bảo vệ các chính sách kinh tế của mình, tập trung vào việc cắt giảm thuế, giảm bớt quy định và áp thuế quan để thúc đẩy sản xuất và tăng trưởng tại Mỹ.

Việc hạ bậc tín nhiệm diễn ra khi thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ đang ở mức gần 2.000 tỷ USD mỗi năm, tương đương hơn 6% GDP. Cùng lúc đó, các nhà lập pháp Mỹ đang thảo luận về một dự luật cải cách thuế lớn nhằm gia hạn các đợt cắt giảm thuế từ năm 2017 dưới thời ông Trump và bổ sung những cam kết cắt giảm mới của ông.

Tuy nhiên, dự luật này, dù là ưu tiên hàng đầu của ông Trump và được dự kiến sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách trong tương lai, đã không được một ủy ban quan trọng của Hạ viện Mỹ thông qua do lo ngại về chi phí. Dự luật này dự kiến sẽ bao gồm 1.500 tỷ USD cắt giảm chi tiêu nhưng không bao gồm 4.000 tỷ USD cắt giảm thuế trong kế hoạch.

Tổng thống Trump đã kêu gọi Đảng Cộng hòa nhanh chóng thông qua dự luật này, trong khi Nhà Trắng bày tỏ kỳ vọng các thành viên Cộng hòa sẽ ủng hộ.

PV (SHTT)

Nổi bật