Theo ông Cảnh, hiện nay, Thông tư 22 của Bộ Khoa học Công nghệ quy định về “quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường” chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Việc quản lý đăng ký chất lượng, mẫu mã, quy trình thực hiện vàng trang sức, mỹ nghệ vẫn còn rất lỏng lẻo. Mạng lưới chống hàng giả, đảm bảo cam kết chất lượng vàng vẫn chưa đảm bảo.
Câu chuyện lập sàn vàng quốc gia đã được Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đề xuất cách đây 6 năm. Thời điểm đó, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đã đề xuất sàn vàng này hoạt động như Sở Giao dịch chứng khoán, đặt tại TPHCM và Hà Nội. Nhà đầu tư sẽ mua bán vàng dưới dạng chứng chỉ vàng do NHNN cấp cho các công ty kinh doanh vàng có dự trữ vàng thật tại NHNN.
Nói về việc lập sàn vàng quốc gia, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, cho biết việc thành lập sở giao dịch vàng quốc gia sẽ giúp giải quyết vấn đề của thị trường vàng Việt Nam một cách tổng thể, từ giao dịch, thanh toán, lưu trữ, vận chuyển, kiểm định chất lượng.
“Đây là một mô hình tổng hợp để giảm thiểu rủi ro cho những người tham gia cũng như huy động được một nguồn lực lớn của xã hội vào kinh doanh chính thức”, ông Lực phân tích.
Đồng tình quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng việc lập sàn vàng quốc gia để giao dịch vàng được minh bạch, các thành phần nhà kinh doanh, dân chúng đều được tiếp cận thông tin, tránh việc đầu cơ, lũng đoạn hoặc tung ra các thông tin bất lợi ảnh hưởng thị trường.
“Thị trường vàng hiện khá ổn định và chính sách chống vàng hóa của NHNN đang phát huy tốt. Tuy nhiên, giá vàng thế giới thay đổi từng giờ từng phút, trong khi đó ở Việt Nam việc chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới vẫn rất cao. Nếu có sàn vàng, các thông tin sẽ được minh bạch, dân chúng và nhà đầu tư được mua bán công khai, rõ ràng, lợi ích được đảm bảo”, ông Hiếu phân tích.
Theo Trần Giang (Dân Việt)