Ai đứng sau hoạt động của Nguyễn Kim?

18/07/2018 08:51:53

Từ năm 2015, Nguyễn Kim đã có sự tham gia của Power Buy (thuộc Central Group) với việc mua lại 49% cổ phần. Đại diện của Thái Lan cũng tham gia ban điều hành và làm Tổng giám đốc.

Nguyễn Kim có mặt trên thị trường từ năm 1996 và năm 2001 chính thức trở thành chuỗi điện máy, với tên gọi Trung tâm mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim. Đây là một trong những doanh nghiệp bán lẻ điện máy 100% vốn trong nước, do ông Nguyễn Văn Kim sáng lập, và cũng là chuỗi điện máy lớn nhất nước thời điểm này.

Chuỗi siêu thị này được vận hành và quản lý bởi Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim, nhưng 100% vốn do Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT sở hữu. Đây cũng là công ty do ông Nguyễn Văn Kim cùng 3 cổ đông khác sáng lập, với số vốn điều lệ ban đầu 800 tỷ đồng.

Trong đó, cá nhân ông Kim sở hữu 31% vốn; bà Nguyễn Thị Hương sở hữu 57,29%, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết sở hữu 11,11% và bà Nguyễn Thị Tuyết Minh sở hữu 0,6% cổ phần còn lại.

Ai đứng sau hoạt động của Nguyễn Kim?
Nguyễn Kim đã có sự tham gia điều hành của người Thái từ năm 2015. Ảnh: Lê Quân.

Ban đầu, chuỗi điện máy này được quản lý và sở hữu bởi 100% nhân sự người Việt. Nguyễn Kim cũng từng được Tạp chí Retail Asia đánh giá là một trong 3 nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam. Thống kê của Viện đại học châu Âu (EUI) cho biết năm 2010, Nguyễn Kim chiếm khoảng 27% thị phần bán lẻ điện máy trong nước.

Giai đoạn 2010-2012, công ty này liên tục mở mới 18 trung tâm điện máy.

Mạng lưới nhân rộng nhanh chóng giúp kết quả kinh doanh của Nguyễn Kim tăng trưởng tốt. Năm 2011, chuỗi điện máy này thu về 400 triệu USD doanh thu, tăng 30% so với 2010; lợi nhuận thu về cũng vào khoảng 17 triệu USD. Ban lãnh đạo công ty khi đó đặt ra tham vọng tăng trưởng doanh thu lên tới 2 tỷ USD vào năm 2015, tương đương tốc độ tăng trưởng 30-50%/năm.

Tuy nhiên, giữa lúc kết quả tăng trưởng còn bỏ ngỏ, báo cáo của Công ty Chứng khoán Bualuang của Thái Lan tiết lộ thông tin Nguyễn Kim bán 49% vốn cho đối tác Thái Lan. Công ty này là Power Buy, đơn vị do Robinson Department Store (thuộc Central Group) nắm 40% cổ phần, và là hệ thống điện máy lớn nhất Thái Lan.

Ai đứng sau hoạt động của Nguyễn Kim? - 1

Theo nhiều nguồn tin, doanh nghiệp Thái Lan đã chi ra khoảng 200 triệu USD cho 49% cổ phần tại Công ty NKT, là công ty mẹ của chuỗi điện máy này.

Không lâu sau đó, những nhân sự người Thái lần lượt xuất hiện trong ban điều hành NKT và Nguyễn Kim.

Cụ thể, Central Group đã cử đại diện của mình là ông Philippe Broianigo, vốn là Tổng giám đốc của Central Group Việt Nam, vào đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc tại Công ty NKT.

Đại gia Nguyễn Văn Kim vẫn giữ vai trò Chủ tịch HĐQT công ty này.

Công ty cổ phần thương mại Nguyễn Kim cũng thay đổi đăng ký kinh doanh, do thay đổi Tổng giám đốc, đồng thời là người đại diện theo pháp luật từ ngày 7/1/2015.

Bà Jariya Chirathivat, 48 tuổi, thuộc gia tộc tỷ phú Chirathivat, được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc của Nguyễn Kim. Nữ doanh nhân này cũng chính là Phó chủ tịch truyền thông của Big C Thái Lan và Phó chủ tịch cấp cao quản lý mảng Phát triển Kinh doanh của Central Retail Corporation, trực thuộc công ty Kinh doanh Bán lẻ của Central Group.

Central Group là một trong những tập đoàn tư nhân lớn nhất Thái Lan, hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực như bất động sản, khách sạn, bán lẻ... do gia tộc Chirathivat sáng lập và điều hành.

Ai đứng sau hoạt động của Nguyễn Kim? - 2
Ông Tos Chirativath, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Central Group. Ảnh: Forbes.

Theo thống kê mới nhất từ Tạp chí Forbes, gia tộc tỷ phú Chirathivat hiện giàu thứ 2 tại Thái Lan, với khối tài sản ròng trên 21,2 tỷ USD, chỉ xếp sau anh em tỷ phú nhà Chearavanont của ngành thực phẩm tại đất nước này (tài sản 30 tỷ USD).

Như vậy từ năm 2015, người Thái đã tham gia điều hành hoạt động của Nguyễn Kim cùng với đại gia Nguyễn Văn Kim, và nắm giữ những vị trí chủ chốt trong ban lãnh đạo công ty. Chuỗi điện máy này mới đây đã bị Cục thuế TP.HCM truy thu và phạt do kê khai sai thuế thu nhập cá nhân trong suốt nhiều năm, với tổng số tiền lên đến hơn 148 tỷ đồng.

Kết quả thanh tra thuế cũng nêu rõ hơn 10 năm qua, điện máy Nguyễn Kim đã “lách” thuế thu nhập cá nhân bằng cách chuyển từ tiền lương chức danh, tiền thưởng thành tiền tăng ca, làm thêm giờ để trốn thuế.

Đại diện Cục Thuế TP.HCM cũng cho biết tình trạng khai sai thuế thu nhập cá nhân doanh nghiệp thực hiện từ trước khi sáp nhập cho đến nay.

Theo Quang Thắng (Tri Thức Trực Tuyến)