Khi kết hôn, mỗi người đều có thêm gia đình mới, vợ chồng sẽ cùng nhau chăm sóc và phụng dưỡng cha mẹ hai bên. Làm được điều đó, bạn mới khiến người bạn đời trân trọng và cảm kích.
Người đàn ông “lấy vợ nhưng không lấy nhà vợ”
Oanh (31 tuổi) chia sẻ cô và Dũng kết hôn đến nay tròn 4 năm, con trai cô đã lên 3 tuổi. “Gia đình tôi không có điều kiện bằng nhà chồng. Sau đám cưới ít lâu, bố mẹ chồng cho chúng tôi 70% tiền mua nhà, còn lại 30% vợ chồng tự tích góp trả”, Oanh kể.
Bố mẹ Oanh dưới quê chỉ làm nông lại thường xuyên đau yếu nên ông bà không có tiền tiết kiệm. Ngày vợ chồng cô tổ chức tân gia, mẹ Oanh cho con gái 10 triệu nhưng cô nhất quyết không lấy.
Cũng vì chuyện tiền nong mà Dũng luôn tỏ ra bất mãn với Oanh và bố mẹ vợ. Quê ngoại có công chuyện Dũng đều không về, Oanh trách móc thì anh phán “xanh rờn”: “Thuyền theo lái, gái theo chồng. Đàn ông chúng tôi lấy vợ chứ ai lấy cả nhà vợ! Tôi cho phép cô về đã là tốt lắm rồi!”. Vậy là sau 4 năm kết hôn, ngoài ngày đón dâu thì Dũng về quê ngoại được duy nhất một lần.
Mỗi lần mẹ Oanh gọi điện lên cho con cháu, Dũng lại hỏi: “Bà không xin gì chứ?”. Bao phen Oanh phải tức nghẹn, nhấn mạnh với chồng bằng bố mẹ cô nghèo nhưng không bao giờ nghĩ dựa dẫm vào các con khi còn sức khỏe. Hơn nữa Oanh cũng đi làm độc lập kinh tế, cô có gửi tiền biếu mẹ cũng là điều bình thường.
Hàng tháng đưa tiền chi tiêu cho vợ, Dũng luôn bắt Oanh phải ghi chép và báo cáo đầy đủ, sợ cô ăn bớt gửi về cho bố mẹ. Trong khi Dũng chỉ góp 50% chi phí, Dũng bảo anh đã mua nhà rồi. 30% tiền mua nhà là của vợ chồng Oanh bỏ ra, có một nửa của cô nhưng nhà chỉ đứng tên một mình Dũng. Oanh vẫn chấp nhận vì không muốn đôi co tranh cãi nhiều.
“Tính ra chồng tôi chưa hề bị thiệt thòi hay biếu được bố mẹ vợ đồng nào. Biết tính chồng nên công việc bên nhà ngoại tôi đều tự bỏ tiền ra, không bao giờ nói với chồng về chuyện tiền bạc. Chẳng hiểu anh ta căn cứ vào đâu để lo sợ bị bố mẹ vợ xin tiền”, Oanh nói.
Mẹ vợ lên chơi và hành động đáng giận của con rể
Thời gian ấy, bố Oanh đi khám ở bệnh viện tuyến tỉnh phát hiện bị bệnh cần phẫu thuật. Sau đó ít lâu Oanh quyết định đưa bố lên Hà Nội điều trị. “Bố điều trị trong bệnh viện, tôi và mẹ thay nhau chăm ông, kế hoạch là mẹ sẽ về nhà tôi nghỉ ngơi”, Oanh chia sẻ.
Trước ngày bố mẹ cô lên thành phố một hôm, đi làm về Oanh thấy nhà cửa có chút khác lạ, cảm giác trống vắng hơn mọi ngày. Cô phát hiện gần chục chai rượu đắt tiền trong tủ không thấy đâu. Cô lấy làm lạ, vào phòng làm việc tìm chồng, vừa mở cửa ra thì phải chết sững.
Oanh thấy chiếc két sắt trong góc, trước đó vẫn để bên ngoài vì Dũng than thở đặt trong phòng làm việc chật chội. Ngoài ra còn có loạt rượu mà Oanh tưởng bị mất, Dũng thích sưu tập rượu nên bỏ khá nhiều tiền vào chúng.
Oanh lấy làm lạ bèn thắc mắc thì Dũng thản nhiên trả lời: “Tôi cất vào đây cho an toàn, trong nhà có người lạ biết thế nào được. Từ mai ra ngoài là tôi sẽ khóa cửa phòng làm việc, cầm theo chìa khóa”.
Oanh chết lặng không thể tưởng tượng được Dũng lại sợ mẹ cô trộm tiền và đồ của con rể! Cô gằn giọng chất vấn anh rằng từ trước đến nay bố mẹ và bản thân cô đã làm gì để anh phải có ý nghĩ đó. “Ông bà không làm gì cả nhưng bây giờ họ đang túng thiếu, ông ngoại thì đang bệnh, biết đâu được…”, Dũng bỏ lửng câu nói, thể hiện sự coi thường và thiếu tôn trọng bố mẹ vợ đến cực điểm.
Khi trước yêu nhau, thấy Dũng là người đàn ông chăm chỉ làm việc, biết tích góp và vun vén nên cô khá hài lòng. Oanh không thể ngờ anh lại là con người tính toán, ích kỷ tới nhường này.
“Bố mẹ tôi đâu làm gì sai trái, không đáng phải chịu sự đối xử tệ hại từ con rể. Và tôi cũng không bao giờ sống tiếp với một người đàn ông cư xử như thế với bố mẹ vợ, ông bà ngoại của con mình!”, Oanh cho hay.
Ngay lập tức cô dọn khỏi căn nhà chung của hai vợ chồng, thuê nhà bên ngoài để mẹ về nghỉ ngơi. Từ đó đến nay đã mấy tháng, Oanh và Dũng đang ly thân chờ thủ tục ly hôn. Dù Dũng nhiều lần xin lỗi nhưng cô không chấp nhận. Những hành động mà Dũng làm trong suốt mấy năm qua thực sự đã vượt quá giới hạn của cô.
Theo Sen Trắng (Pháp Luật & Bạn Đọc)