Đưa vợ 3 triệu, chồng giao kèo 'tiêu đủ tháng, thiếu tự bù', vợ vui vẻ đồng ý nhưng chỉ 1 tháng sau anh phải cuống quýt nộp cả thẻ lương cho cô giữ

01/04/2021 06:07:03

"Sau hôm ấy, chồng không còn giao kèo chi tiêu với em nữa mà đưa thẳng thẻ lương cho vợ cầm để tự lo liệu...", người vợ kể.

Sau cưới, cặp vợ chồng nào cũng phải có ít nhất đôi lần to tiếng, bất đồng quan điểm vì những vấn đề cuộc sống. Trong số đó tiền bạc kinh tế chính là chuyện khiến nhiều cặp đôi đau đầu nhất. Đặc biệt khi đàn ông kiếm ra tiền, tự cho mình quyền định đoạt mọi thứ sẽ khiến phụ nữ ức chế, mâu thuẫn dần nảy sinh, đẩy hôn nhân tới bờ vực thẳm.

Cũng vì bức xúc với cách hành xử thiếu tôn trọng vợ của chồng mà mới đây, một người vợ đã lên mạng xã hội chia sẻ câu chuyện gia đình mình như sau: "Từ ngày cưới, em luôn tự chủ trong kinh tế. Vợ chồng thống nhất chỉ tiêu lương 1 người, còn lại 1 lương thì giữ để tích lũy phòng ốm đau, lo việc lớn. Tuy nhiên cách đây vài tháng, do công việc công ty không được như mong muốn nên em quyết định nghỉ việc để chuyển hướng đi mới. Em dự định về làm cho một người quen nhưng kế hoạch của họ có chút thay đổi nên phải đợi một thời gian ngắn.

Đưa vợ 3 triệu, chồng giao kèo 'tiêu đủ tháng, thiếu tự bù', vợ vui vẻ đồng ý nhưng chỉ 1 tháng sau anh phải cuống quýt nộp cả thẻ lương cho cô giữ
Bài chia sẻ của người vợ

Chồng em thấy vợ chưa đi làm ngay, anh khó chịu cứ đay nghiến trách em tự nhiên đang yên đang lành thì nghỉ việc. Tại là trước kia em đi làm, tiền lương của anh được giữ nguyên, mọi chi tiêu sinh hoạt trong nhà đều dùng lương em. Giờ phải rút ví đưa vợ tiền đi chợ, anh suốt ngày ca thán rằng lấy vợ như lấy nợ. Tháng đầu anh đưa cho em được 6 triệu, tháng thứ hai rút xuống còn 5 triệu. Đến tháng thứ 3 thì anh đưa cho có đúng 3 triệu bao gồm tất cả điện nước lẫn ăn uống, hiếu hỉ phát sinh. Lúc đưa anh còn giao kèo rằng em phải tự lo liệu chi tiêu đủ trong tháng, thiếu tự bù, anh không đưa thêm.

Cách hành xử của chồng thật sự làm em nản nhưng biết rằng có nói nhiều cũng tới vậy nên em cũng vui vẻ cầm tiền, dạ vâng cho xong chuyện. Từ hôm sau, em đi chợ, mua sắm thực phẩm rất đều đặn. Nhà 5 người, 2 ông bà già, 1 trẻ nhỏ cộng vợ chồng em nữa tất cả xoay vòng trong 3 triệu song ngày nào cũng thịt cá đầy đủ, đổi món liên tục đúng ý chồng muốn.

Cho tới hôm cuối tháng hai vợ chồng ngồi kiểm lại việc chi tiêu trong tháng, anh ấy giở giọng bảo em xem ra cũng biết chi tiêu hơn rồi, trước 6 triệu 1 tháng cũng hết mà cơm nước sinh hoạt không ra sao, giờ 3 triệu cũng tươm tất. Em cười nhạt đưa lại cho chồng nguyên 3 triệu tiền anh đưa hôm đầu tháng cùng cuốn sổ ghi chép chi tiêu, chợ búa mỗi ngày bảo: 'Anh xem cho kỹ đi xem tổng 1 tháng vừa rồi nhà mình tiêu hết bao nhiêu. Để có cuộc sống tươm tất đúng ý anh, tôi phải tiêu ngần đó đấy. Có điều, tôi toàn mua chịu hàng của người quen, họ ghi giấy nợ, tôi cầm về để cuối tháng anh tự tới mà trả để anh biết thực phẩm, rau dưa có rẻ bèo như anh nghĩ không. Xem 3 triệu của anh đủ tiêu trong mấy ngày. Anh thích quản kinh tế, tôi nghĩ cách này là ổn nhất. Còn tôi lấy chồng chẳng mong gì ngoài sự tin tưởng, tôn trọng của chồng. Anh đã không tin vợ, tốt nhất cứ chủ động mọi việc cho tôi nhàn thân'.

Đưa vợ 3 triệu, chồng giao kèo 'tiêu đủ tháng, thiếu tự bù', vợ vui vẻ đồng ý nhưng chỉ 1 tháng sau anh phải cuống quýt nộp cả thẻ lương cho cô giữ - 1
Ảnh minh họa

Chồng em nhìn danh sách chi tiêu dài chục trang, tổng tiền cộng lại hơn chục triệu mà tái mặt ngồi im. Đã thế em còn cho luôn mấy người bán hàng số điện thoại của anh, dặn họ cuối tháng nhớ gọi vào số đó nhắc ra trả tiền. Thế là hôm ấy, họ thi nhau gọi bảo chồng em ra giải quyết nợ. Chồng em hãi, vội rút luôn cho vợ chục triệu bảo ra trả không họ kéo tới nhà đòi. Sau hôm ấy, lão không còn giao kèo chi tiêu với em nữa mà đưa thẳng thẻ lương cho vợ cầm để tự lo liệu chi tiêu tới khi em đi làm trở lại".

Cuộc sống hôn nhân vốn không phải lúc nào cũng ngọt ngào, lãng mạn như thuở ban đầu mới yêu bởi nó phải gánh rất nhiều áp lực, trong đó nặng nhất là cơm áo, gạo tiền. Do vậy, sau cưới chuyện vợ chồng có xích mích, to tiếng cũng là khó tránh. Tuy nhiên, dù khó khăn vất vả thì chúng ta cũng phải ứng xử theo nguyên tắc của hôn nhân, tôn trọng bạn đời là điều luôn phải ghim trong lòng. Nếu vi phạm nguyên tắc ấy, tình cảm gia đình khó có thể bền lâu, đúng như người vợ trong câu chuyện trên đã khẳng định: "Phụ nữ lấy chồng chẳng mong gì ngoài được chồng chia sẻ và tôn trọng". Mong rằng sau chuyện này, chồng cô sẽ hiểu và biết yêu thương, trân trọng vợ mình hơn.

Theo Hải Hương (Pháp Luật & Bạn Đọc)

Nổi bật