Mua nhà là một mục tiêu mà hẳn cặp vợ chồng mới cưới nào cũng ao ước. Ông cha ta có câu "An cư lập nghiệp", khi có nhà cửa ổn định thì mọi mặt khác như kinh tế, con cái, tình cảm... mới phát triển ổn định. Ấy vậy, mục tiêu này sẽ hơi khó khăn một chút nếu chỉ có cặp vợ chồng nương tựa nhau cùng cố gắng.
Bởi lẽ một căn nhà bây giờ cũng có giá vài tỷ đồng, rồi nội thất, đồ đạc... biết bao thứ khác phải lo nghĩ. Kể cả khi trả góp thì nhiệm vụ này chẳng hề đơn giản chút nào. Chưa kể sinh con đẻ cái sẽ nảy nòi ra vô số khoản phải chi.
Vợ chồng tôi cũng nuôi ao ước đó ngay từ hồi còn lên kế hoạch cưới nhau. Hơn nữa, tôi và anh đều muốn ở nhà chung cư, không muốn sống gần bố mẹ sợ nảy sinh mâu thuẫn. Vì thế cả hai rất cố gắng cày cuốc kiếm tiền, thậm chí tiết kiệm hết mức có thể.
Gia đình bên ngoại tôi thuộc dạng bình thường về kinh tế, ngược lại với anh - sinh ra trong một ngôi nhà có tiềm lực tài chính mạnh. Ấy thế nhưng tôi không thấy bố mẹ chồng là kiểu khoe mẽ và sống theo đẳng cấp thượng lưu. Có đôi lúc tôi cảm nhận họ giản dị, mặc dù bố chồng là cựu giám đốc của một công ty lớn, còn mẹ chồng thì từng làm hiệu trưởng của trường cấp 3.
Trước khi lấy anh, tôi cũng có để ý một chút về gia cảnh của anh ấy. Song điều mà khiến tôi quyết định đặt bút ký giấy đăng ký kết hôn vẫn là tình cảm 6 năm trời.
Lấy anh về, vợ chồng chúng tôi tạm thời vẫn sống cùng với bố mẹ chồng. Chồng tôi cũng tài giỏi, công việc lẫn thu nhập đều tốt cả, thậm chí một mình anh cũng có thể đủ để nuôi cả nhà. Sau đám cưới khoảng 1 năm, anh có ý định chuyển công tác lên Hà Nội. Anh bảo đây là cơ hội hiếm có, nếu không giành giật lấy thì vĩnh viễn sẽ khó mà gặp lại lần thứ hai. Vả lại, theo dự tính của hai vợ chồng, việc tách ra ở riêng cũng sẽ thoải mái hơn.
Tuy nhiên, vấn đề trước mắt là chúng tôi chưa thể gom đủ tiền để mua nhà trả góp nên dự định sẽ thuê trọ một thời gian. Thậm chí anh có việc làm mới tốt nhưng tôi lại rơi vào cảnh thất nghiệp. Vợ chồng tôi cũng có đánh tiếng trước với bố mẹ bên nội về kế hoạch lên Hà Nội này. Về căn bản, hai ông bà cũng đồng ý. Nhưng bất ngờ, một hôm bố chồng gọi cả tôi lẫn chồng vào phòng và dặn dò:
"Bố biết hai con sắp tới lên Hà Nội chuẩn bị cho cuộc sống mới. Trong tay còn chưa có cái gì. Giờ mà để các con tự vùng vẫy giữa biển lớn sẽ thật khó khăn. Tài sản của bố mẹ cũng là để cho các con. Vì thế bố sẽ tặng hai con 3 tỷ để mua nhà chung cư. Đấy cũng là một phần cố gắng cả đời của bố mẹ mới có được."
Nghe xong, tôi với chồng nhìn nhau, tuy không nói gì nhưng trong ánh mắt có lộ rõ lên niềm hoan hỉ vui mừng. Ấy thế nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, bố chồng đã đột ngột đưa ra thêm 2 điều kiện:
"Sẽ có 2 điều kiện mà bố muốn các con thực hiện để sở hữu số tiền này. Thứ nhất, nhà phải mang tên sở hữu của bố. Vì dù gì thì trong nhà bố cũng là người đứng đầu, mọi việc lớn vẫn phải tham khảo quyết định. Vả lại hai con đứng tên hay không thì cũng chẳng ảnh hưởng gì mấy. Sau này bố mất khắc sẽ để lại di chúc.
Thứ hai, em trai của con sau này lên Hà Nội học Đại học thì phải chừa một phòng cho nó ở. Tuyệt đối không được hắt hủi nó, nhớ chưa? Anh em thì phải đỡ đần lẫn nhau, đó mới là điều bố mong mỏi nhất."
Sau hai điều kiện này, chồng tôi lập tức xin phép bố để ra ngoài cùng tôi bàn bạc rồi sẽ trả lời lại sau. Anh tỏ rõ thái độ không hài lòng, thậm chí là móc mỉa ngược lại bố chồng "Cho thế thì đừng cho còn hơn."
Tôi hiểu chồng tôi, anh là người có tính sở hữu cao. Làm sao anh có thể chấp nhận được việc sống trong căn nhà đứng tên bố mình cơ chứ. Đã thế, chúng tôi còn dự định sau này chỉ có hai bố mẹ và con nhỏ ở thôi, chứ không đời nào muốn dắt díu thêm em trai học xa nhà. Mặc dù vậy, chẳng thể phủ nhận sức hút rất lớn từ phía con số 3 tỷ đồng kia. Là người đứng giữa, tôi nên xử lý chuyện này như thế nào đây? Cầm tiền của bố chồng và ngoan ngoãn nghe lời hay tự thân vận động gây dựng một ngôi nhà mới?
Theo M.B (Pháp Luật & Bạn Đọc)