Vừa cưới xong đã được bố mẹ chồng cho ra ở riêng, tuy Hạnh hơi ngạc nhiên song hơn cả là vui mừng. Dù phải đi thuê nhà ở trọ, trong khi nhà chồng có chỗ ở hẳn hoi, nhưng được tự do thoải mái vẫn là thích nhất.
Hạnh không sao ngờ được, vợ chồng cô vừa ổn định chỗ ở thì bố mẹ chồng gọi 2 người tới nói chuyện. Ông bà thông báo, từ giờ mỗi tháng vợ chồng cô phải đưa ông bà 5 triệu để ông bà chi tiêu ăn uống, vì giờ ông bà già rồi, không làm ra tiền.
Hạnh ngạc nhiên quá đỗi. Theo như lời chồng Hạnh, bố mẹ chồng có sổ tiết kiệm cả tỷ trong ngân hàng, là tiền ông bà dành dụm và được đền bù đất đai. Riêng số tiền lãi từ đó đã đủ cho 2 người thoải mái chi tiêu rồi.
Quan trọng hơn cả, lương tháng của cả vợ chồng Hạnh gộp lại mới được 12 triệu. Đưa ông bà 5 triệu, vậy còn 7 triệu, hai vợ chồng cô sẽ không biết xoay sở thế nào, khi mà tiền thuê nhà, ăn uống, cỗ bàn và đủ thứ chi phí phát sinh. Nếu thêm 1 đứa trẻ, chắc chắn sẽ bị thiếu hụt trầm trọng không thể nghi ngờ. Ông bà biết thừa điều đó, bản thân thì có điều kiện, tại sao vẫn muốn làm khó con cái?
Chồng Hạnh tỏ vẻ không đồng ý thì bố chồng Hạnh quát lên: "Tao nuôi mày mấy chục năm, giờ mày khôn lớn trưởng thành, nghĩa vụ của mày là báo hiếu bố mẹ. Điều ấy cũng không làm được nữa thì vứt! Đồ con bất hiếu, có mỗi việc nuôi cha mẹ già cũng khó chịu không muốn. Không hiểu tao mất công đẻ mày ra, cực khổ nuôi mày lớn từng này để làm gì nữa!".
Hạnh thật hết chỗ nói. Cô hoàn toàn ủng hộ việc con cái báo hiếu cha mẹ, bởi cô cũng có bố mẹ. Nếu bố mẹ chồng già yếu, thật sự không có thu nhập, chắc chắn bọn cô sẽ phụng dưỡng ông bà. Nhưng trong trường hợp này, thiết nghĩ ông bà cũng nên nghĩ cho hoàn cảnh của con cái chứ! Ít nhất là lúc ban đầu bọn cô còn khó khăn, sau này dư dả hơn, bọn cô cũng chẳng tiếc ông bà.
Thế nhưng bố mẹ chồng Hạnh vẫn khăng khăng ý kiến của mình, đó là mỗi tháng vợ chồng cô đưa công bà 5 triệu "báo hiếu". Ngoài ra, ai ở nhà người nấy, ông bà không cần quan tâm đến bọn cô sống ra sao. Mẹ chồng thì bảo, bà không có trách nhiệm trông cháu cho bọn cô, ông bà bây giờ đã đến tuổi nghỉ ngơi, hưởng thụ sự báo hiếu của con cái rồi. Thảo nào mà vừa cưới xong, ông bà đã "tống cổ" bọn cô ra ở riêng.
Hạnh chán nản vô cùng. Nếu nghe theo ông bà, chắc chắn bọn cô chẳng dám sinh con. Lương chồng cô được 6 triệu, cứ cho việc báo hiếu là của chồng không liên quan đến cô, thì sau khi báo hiếu bố mẹ xong anh còn được 1 triệu. Đến nuôi cái thân anh còn chẳng đủ, lấy đâu cùng cô góp sức xây dựng gia đình?
Hạnh mỉm cười nói với bố mẹ chồng: "Bố dạy phải ạ, phận làm con chúng con phải có trách nhiệm báo hiếu, phụng dưỡng bố mẹ. Bây giờ nhà cửa bọn con đã thuê ổn định rồi, vậy mai bố mẹ dọn qua với bọn con đi, để bọn con tiện bề chăm sóc bố mẹ. Nói thật với bố mẹ, bọn con hiện tại vẫn nghèo lắm, nên chưa có điều kiện cho bố mẹ một cuộc sống tốt. Thôi thì bố mẹ có rau ăn rau, có cháo ăn cháo với chúng con".
Nếu ông bà đã áp đặt, vậy cô sẽ báo hiếu theo cách của cô. Đón ông bà về phụng dưỡng và cơm bưng nước rót hàng ngày. Tất nhiên là trong khả năng của bản thân, chứ bọn cô đâu thể đi ăn trộm về để cho bố mẹ chồng ăn sung mặc sướng được.
Bố mẹ chồng Hạnh rõ ràng không ưng, nhưng vợ chồng Hạnh kiên quyết không đưa tiền, mà muốn tự tay chăm sóc cuộc sống hàng ngày cho ông bà cơ. Cuối cùng, ông bà đành chấp nhận theo vợ chồng cô tới nhà trọ ở, thầm nghĩ sẽ khiến Hạnh ngột ngạt phải đồng ý phương án 5 triệu kia mới thôi.
Nhưng cuối cùng người phải chịu thua trước lại chính là bố mẹ chồng cô. Đang ở nhà rộng rãi phải đi ở trọ chật hẹp đã là một khó chịu. Bữa ăn thì đạm bạc khiến ông bà vốn kén ăn, quen ăn ngon không nuốt nổi. Chưa nói con dâu suốt ngày than thở không có tiền, kể lể đủ thứ khoản chi tiêu và kêu trời sợ không dám sinh cháu nối dõi cho ông bà vì không đủ tiền nuôi bé.
Biết cô con dâu này quá cứng không dễ bắt nạt, cuối cùng bố mẹ chồng Hạnh lấy cớ ở nhà lạ không quen, để dọn đồ đạc về. Khoản tiền 5 triệu báo hiếu kia Hạnh cũng không thấy ông bà nhắc tới nữa.
Theo Giang Phạm (Heino)