Ẩm thực hoàng gia Hàn Quốc dường như đạt đến đỉnh cao dưới thời cai trị của triều đại Joseon (1392–1910), khi việc ăn uống trở thành phong tục được coi trọng. Những người hầu gái đã học các nghi thức nghiêm ngặt từ khi còn nhỏ và được truyền lại những công thức bí mật để phục vụ cho giai cấp trị vì.
Việc chuẩn bị những bữa ăn cho hoàng tộc thường được kéo dài trong nhiều tháng và được ghi chép tỉ mỉ. Trong các sự kiện lớn, những người làm sẽ bày biện bánh gạo (tteok), đồ ngọt (hangwa) và trái cây cao khoảng 60 cm trên bàn để biểu thị sức khỏe và sự thịnh vượng của nhà vua.
Thông thường, các cung nữ phục vụ nhà vua năm bữa một ngày. Bữa chính (surasang) bao gồm một bàn tiệc gồm hơn chục món đi kèm với món hầm, lẩu, kim chi và nước sốt. Các thống đốc từ các tỉnh có nhiệm vụ cung cấp nguyên liệu cho các đầu bếp cung đình. Đa phần ẩm thực thời đó thường ưu tiên sự nguyên bản của nguyên liệu thay vì vị cay thường thấy như hiện tại.
Ngày nay, khi tới Hàn Quốc, du khách có thể ghé trung tâm văn hóa và nhà hàng Korea House, Philkyungjae hay Jihwaja ở thủ đô Seoul để thưởng thức những món ăn hoàng gia đặc biệt tưởng như đã bị thất truyền.
Dưới đây là danh sách 5 món ăn hoàng gia du khách không nên bỏ qua khi tới Hàn Quốc
1. Chimchae (ba loại kim chi):
Chimchae là một thuật ngữ chung dùng để chỉ các loại kim chi khác nhau, được phục vụ trước bữa ăn như một món ăn phụ (banchan) hoặc ăn cùng với món chính. Loại kim chi dễ nhận biết nhất hiện nay bao gồm các loại rau được xắt nhỏ muối cùng nước mắm, ớt đỏ và gia vị. Có ba loại kim chi thường được phục vụ cho hoàng gia Hàn Quốc trước đây là: kim chi củ cải thái hạt lựu (songsongi), kim chi bắp cải tiêu chuẩn và kim chi nước củ cải (dongchimi).
2. Jochi:
Các món hầm luôn xuất hiện trong ẩm thực hoàng gia Hàn Quốc, trong đó chắc chắn phải kể tới món canh đậu tương (tojangjochi) và món hầm hải sản muối (jeotgukjochi) phổ biến trong hoàng tộc thời Joseon. Người Hàn Quốc giờ đây thường ăn canh hầm kem cơm để bắt đầu bữa ăn chính bên cạnh thịt nướng nóng hổi.
3. Pyeonyuk:
Pyeonyuk là thuật ngữ dùng để chỉ thịt bò hoặc thịt lợn luộc được phục vụ cùng với mì hoặc món hầm. Trong quá khứ, pyeonyuk thường được nấu trong những nồi nước dùng khổng lồ để phục vụ trong các bữa tiệc. Hầu hết thực khách bây giờ ăn nó với mì lạnh (naengmyeon) hoặc súp xương bò (seolleongtang). Khu phố đại học Hyehwa ở Seoul có nhiều quán mì lạnh phục vụ pyeonyuk làm món ăn kèm.
4. Deoungui:
Hoàng gia Hàn Quốc thường thưởng thức món thịt nướng nóng hổi này cùng với cơm. Các đầu bếp bậc thầy nướng thịt bò trực tiếp trên lửa và làm nước chấm từ hỗn hợp tôm muối, nước tương hoặc đậu nành lên men. Ngày nay, mọi người thích tự nướng thịt bằng vỉ nướng di động tại nhà hoặc khi đi cắm trại. Du khách cũng có thể tự nướng thịt tại các nhà hàng ở khu phố Jonggak nhộn nhịp của Seoul.
5. Jeongol:
Lẩu kiểu Hàn Quốc thường ăn cùng rau và thịt được nhúng trong nồi nước nóng sôi. Theo các tài liệu được tìm thấy từ thời Joseon, món ăn này có nguồn gốc từ thời cổ đại, khi những người lính thường nấu đồ ăn bên trong chiếc mũ sắt của họ. Khi dâng jeongol cho nhà vua, đầu bếp bày các loại rau và thịt theo mùa bên trong bát lẩu với một ít nước dùng.
Có thể bạn chưa biết?
Kimchi là món ăn luôn hiện diện trong bữa ăn của các gia đình Hàn Quốc khoảng 3.000 năm nay. Hương vị cay, thơm nồng của kim chi muối chua được cho là giúp kích thích vị giác và có lợi cho sức khỏe nhờ các loại vi khuẩn tốt. Món ăn này được làm bằng cách tách các đầu cải thảo ra và thấm từng lá với hỗn hợp làm từ ớt đỏ và muối. Theo truyền thống, các hộ gia đình giữ các thùng chứa bằng đất sét dưới mặt đất, để cải thảo lên men tránh ánh nắng mặt trời và nhiệt độ cao.
Theo Đỗ An (VietNamNet)