Những ngày trở lại đây, cư dân mạng không ngừng xôn xao về câu chuyện một cụ bà vừa bước sang tuổi 123 ở Hải Dương. Đó là cụ Nguyễn Thị Cơ (trú xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện, Hải Dương), mặc dù tuổi đã cao nhưng tóc cụ vẫn còn đen láy, răng vẫn mọc và minh mẫn.
Cụ Cơ 123 tuổi tóc đen láy, răng vẫn mọc
Vào một chiều thu tháng 8, chúng tôi tìm về căn nhà nhỏ cấp 4 ở xã Cao Thắng, nơi cụ Cơ và cô con gái út hiện đang sinh sống. Tại nơi đây, từ người già đến trẻ nhỏ, ai nấy cũng biết đến câu chuyện cụ Nguyễn Thị Cơ vừa bước sang tuổi 123.
Theo sự chỉ dẫn của người dân, chúng tôi men theo con đường làng và tìm đến căn nhà riêng nơi hai mẹ con cụ đang ở.
Nghe thấy tiếng gọi của chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hạt (72 tuổi, con gái út cụ Cơ) trong nhà vọng ra "ai đến chơi vậy, chờ tôi chút". Khoảng vài phút sau, bà Hạt ra mời chúng tôi vào.
Trong nhà, cụ Cơ nằm trên võng đung đưa, tay cầm chiếc quạt giấy phe phẩy. Khi chúng tôi vừa bước vào trong, cụ Cơ mỉm cười khẽ hỏi "cô chú nào đến chơi vậy con?", rồi cụ từ từ ngồi dậy.
Thấy vậy, bà Hạt nhanh chóng đến đỡ cụ Cơ. Bà Hạt bảo: "Mẹ tôi mắt kém, không nhìn rõ nhưng vẫn còn minh mẫn, tai nghe rất tốt".
Nói về tình hình sức khỏe của cụ Cơ, bà Hạt cho biết, sống với cụ Cơ từ nhỏ đến bây giờ, bà chưa bao giờ thấy mẹ mình bị bệnh nặng phải vào viện. Thi thoảng bị ốm vặt thì có uống 1-2 viên thuốc.
"Vài năm trước, mẹ tôi sức khỏe tốt, mắt nhìn rõ, đi lại bình thường, vẫn thường đi lại quanh nhà hoặc sang nhà hàng xóm chơi.
Nhưng 2 năm trở lại đây, mắt bắt đầu mờ đi, sức khỏe có dấu hiệu suy giảm, chẳng đi lại được đâu. Tuy nhiên tóc mọc đen trở lại và mọc thêm răng.
Theo giấy tờ, mẹ tôi năm nay 123 tuổi. Những người bạn hay người cùng thế hệ của mẹ đều đã qua đời từ vài chục năm trước, giờ chỉ còn mỗi mẹ tôi".
Nói xong, bà Hạt cho chúng tôi xem các giấy tờ liên quan của cụ Cơ. Theo CMND cấp năm 1979 và CCCD cấp năm 2022, cụ Nguyễn Thị Cơ sinh năm 1901, nguyên quán xã Đoàn Đào (huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên).
Kể về gia đình mình, bà Hạt cho biết: "Ngày xưa, bố tôi lấy 2 vợ, mẹ tôi là bà hai. Mẹ tôi sinh được 3 cô con gái, nhưng chị cả không may mất từ nhỏ. Nếu chị còn sống, năm nay cũng gần 90 tuổi. Chị hai năm nay hơn 80 tuổi, lấy chồng xa nhà, còn tôi là con út".
Tâm sự về cuộc đời của mình, bà Hạt bảo ngày xưa bà cũng như những người con gái khác trong làng. Khi bước vào độ tuổi "trăng tròn", có nhiều chàng trai đến tán tỉnh, nhiều người cũng ngỏ ý mai mối người này, người kia.
Thế nhưng vì nhà neo người, chị lấy chồng xa, lo một ngày bố mẹ già đi không ai chăm sóc nên bà Hạt quyết định ở vậy, không muốn lấy chồng. Rồi bỗng một ngày vào năm 25 tuổi, một chàng trai bước đến hiểu và cảm thông cho hoàn cảnh, nói chấp nhận ở rể và muốn cùng bà Hạt chăm sóc bố mẹ vợ, lúc này bà mới đồng ý cưới.
Thế nhưng đến khi vợ chồng bà Hạt chào đón cô con gái đầu lòng, chồng bà bắt đầu thay đổi ý định, muốn về quê nội sinh sống làm ăn.
"Nhiều người khuyên "thuyền theo lái, gái theo chồng", nhưng họ đâu có hiểu hoàn cảnh của mình. Bố tôi lúc đó sức khỏe yếu, mẹ cũng đã có tuổi, giờ đi theo chồng thì bố mẹ tôi biết dựa vào ai", bà Hạt chia sẻ.
Cũng bởi vì chữ hiếu nên vợ chồng bà Hạt đã ly hôn, bà một mình nuôi con nhỏ. Năm 1982, bố bà Hạt qua đời, năm đó ông cũng đã ngoài 80 tuổi.
Đến khi con gái đi lấy chồng, từ đó đến nay chỉ còn 2 mẹ con bà Hạt sống trong căn nhà nhỏ.
Căn nhà nhỏ của gia đình cụ Cơ được xây dựng năm 1982, trải qua hơn 40 năm, căn nhà xuống cấp thậm tệ. Bà Hạt bảo được chính quyền địa phương hỗ trợ tu sửa giúp đỡ phần mái để cho đỡ bị dột; còn các con, các cháu mỗi đứa một ít đóng góp tu sửa lại giúp phần tường bên trong nhà.
"Hễ còn được chăm sóc, ở bên mẹ là tôi cảm thấy hạnh phúc rồi"
Khi được hỏi về "bí quyết" sống khỏe, sống thọ của cụ Cơ, bà Hạt mỉm cười nói: "Trước đây nhiều người cũng hỏi tôi, nhưng tôi cũng chẳng biết nữa. Chúng tôi vẫn ăn uống sinh hoạt bình thường. Chỉ có điều, gia đình hoàn cảnh khó khăn nên bữa cơm chẳng có gì đặc biệt, chỉ có vài món đơn giản của nhà trồng được.
Mùa nào thức ấy, lúc nào ngoài vườn cũng có rau sạch để ăn. Mình tự trồng, tự hái nên chẳng sợ rau bị phun thuốc. Không có thì tôi sang hàng xóm xin một ít. Ngoài việc trồng rau, tôi cũng có nuôi thêm một vài con gà mái, một vài con vịt, chủ yếu nuôi để lấy trứng".
Cũng theo bà Hạt chia sẻ, cụ Cơ ăn uống rất kiêng cữ. "Mẹ tôi kiêng cữ lắm, nước mắm, gia vị mì tôm,… là cụ không bao giờ động đến. Mẹ bảo ăn vào có mùi hôi nên không ăn được.
Thường mẹ chỉ ăn lưng bát cơm với muối vừng, lạc, bữa nào thay đổi thì thêm 2 lát giò hoặc chả thái mỏng, không thì quả trứng rắc thêm ít muối vừng.
Còn về thịt gà, cá, lợn,… mẹ cũng không ăn. Mẹ bảo tuổi già rồi, không ăn nhiều và không ăn linh tinh, sợ bị vấn đề liên quan đến đường tiêu hóa", bà Hạt nói.
Bà Hạt cho biết, khoảng 2 năm trước, kể từ khi mắt cụ Cơ kém, sức khỏe yếu, bà quyết định bỏ ruộng, về trồng rau trong vườn.
"Sợ lúc đi ra đồng, mẹ ở nhà lại có vấn đề gì chẳng ai biết nên tôi mới bỏ ruộng, chỉ loanh quanh trong nhà. Nhiều khi có đi đâu cũng chỉ dám đi chút rồi về, không thì nhờ các cháu sang chơi, để ý cụ.
Trước thì còn cấy được 2 sào, hai mẹ con ăn cả năm chẳng hết. Giờ mọi chi phí trong nhà đều trông vào khoản trợ cấp hơn 1 triệu của mẹ", bà Hạt bộc bạch.
Nhìn người mẹ già với ánh mắt trìu mến, bà Hạt bảo ở độ tuổi gần đất xa trời, chẳng ai hay lúc nào mình sẽ chết. "Sống chết là chuyện bình thường, tôi cũng không biết liệu bản thân còn có thể chăm sóc mẹ được bao lâu. Nhưng hễ còn được chăm sóc, ở bên mẹ là tôi cảm thấy hạnh phúc rồi", bà Hạt trải lòng.
Cụ Cơ khẽ bảo: "Khoảng 2 năm trước, trong lúc đang ngồi ăn cơm, mắt tôi tự nhiên tối sầm, kể từ đó tôi không còn nhìn rõ gì cả. Răng tôi vẫn mọc lại, chỉ có duy nhất 1 chiếc răng 2 tháng trước bị gãy không mọc lại". Đang nói giữa chừng, cụ ngấp ngứng rồi nói tiếp "Giờ tôi già lắm rồi, sức khỏe yếu, mọi thứ đều phải phụ thuộc vào con cháu. Chứ bản thân cũng chẳng biết phải làm thế nào".
Sau cuộc trò chuyện, chúng tôi xin phép cụ Cơ và bà Hạt ra về. Trước khi xe lăn bánh, bà Hạt chào tạm biệt và nói thêm: "Cô chú muốn sống khỏe thì chỉ cần ăn vừa đủ, hạn chế ăn chất đạm, ăn nhiều rau xanh và ngủ nghỉ đúng giờ là được".
Theo Văn Đức (Thanh Niên Việt)