"Cảm giác ngộp thở là sự tra tấn dã man nhất mà căn bệnh này mang lại"
Ngày 24/7, tôi xuất hiện triệu chứng sốt và đau mỏi cơ bắp, kết quả test nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2 khiến tôi vô cùng bàng hoàng. Tôi thừa nhận bản thân dù mạnh mẽ đến đâu cũng không thể bình tĩnh vì căn bệnh này quá nguy hiểm.
Tôi chạy nhanh lên sân thượng, tự cách ly trong nhà kho, cố gắng hạn chế tối đa tiếp xúc với các thành viên trong gia đình. May mắn thay, 4 người còn lại, cả trẻ nhỏ và người già, đều có kết quả âm tính.
Tôi không biết nguồn lây từ đâu khi bản thân không tiếp xúc với ai nghi nhiễm, cả tháng trời không ra ngoài. Thế mới nói, căn bệnh này rất khó lường. “Cuộc sống không hề mong manh, chỉ sợ sự hy vọng của chúng ta mong manh thôi” - Nghĩ vậy, tôi chuẩn bị một tinh thần mạnh mẽ nhất để bước vào cuộc chiến này.
Thực sự, điều trị tại nhà là quyết định ngoài ý muốn, nếu thấy bệnh trở nặng, cần liên hệ với bệnh viện ngay lập tức.
"Hành trang" để "chiến đấu" với Covid-19 của tôi gồm máy đo huyết áp, đo nhiệt độ, đo chỉ số oxy trong máu, sử dụng thêm bình oxy/ bình oxy khẩn cấp, máy nước nóng… Các loại bình giữ nhiệt đựng nước ấm, nước gừng cũng rất cần thiết.
Trước khi đi ngủ, tôi bày hết những món đồ này ngay sát giường, phòng khi cần thiết có thể vươn tay ra lấy, vì trong “cuộc chiến” khốc liệt này, không có ai chăm sóc bạn ngoài bạn. Đặc biệt, các loại thuốc chữa trị và thuốc hỗ trợ cần phải để riêng, tránh trường hợp mất bình tĩnh mà uống nhầm.
5 ngày đầu tiên, tôi bị Covid-19 "hành hạ" với đầy đủ triệu chứng bệnh như sốt cao, sốt run, đau cơ và ho. Cơ thể đau nhức, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại biên) liên tục giảm, mê man và không đủ tỉnh táo.
Đỉnh điểm ngày thứ 3, tôi bắt đầu mất hoàn toàn vị giác và khứu giác, thức ăn hễ đưa đến miệng là bị "từ chối".
Thường ngày, vợ tôi sẽ chuẩn bị đồ ăn, đựng trong các hộp dùng một lần, đặt trước cửa phòng, tuyệt đối không tiếp xúc nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Tôi "đánh lừa" bản thân bằng cách chia nhỏ các bữa, ăn đồ loãng, nguội và mềm, để khi đưa vào miệng là có thể nuốt luôn.
Mỗi bữa tôi ăn trong 2 tiếng hoặc hơn, khi đang ăn có thể đứng lên vận động, thậm chí đi tắm rồi vào ăn tiếp, miễn sao ăn hết.
Đến ngày thứ 6, các cơn sốt thuyên giảm.
Từ ngày thứ 7, tôi bắt đầu chịu đựng những cơn ho như xé họng, khó thở, thể trạng tuột dốc không phanh, khi đứng còn nghe rõ tiếng nhịp tim đập trong lồng ngực. Các triệu chứng trở nặng, chỉ số SpO2 xuống thấp, có những giai đoạn chỉ còn 77, tôi phải liên hệ bác sĩ và được chỉ định uống thuốc.
Trong khoảng thời gian này, tôi 2 lần bị ngưng thở chừng 5-10 giây do ho liên tục khiến cuống họng bị bóp nghẹt. Có lần, tôi lấy chai nước muối sinh lý để súc miệng và bị sặc, ho dai dẳng. Tay cố gắng ôm chặt bồn rửa mặt để trụ đỡ cơ thể, ngước mắt nhìn vào gương, tôi không nghĩ gương mặt trắng bệnh đó là mình. Sau đó, tôi nhanh chóng chụp lấy bình oxy nhưng không được, phải luyện thở suốt 4 tiếng để có không khí.
Hai lần trải qua cảm giác tắc thở khiến tôi hoảng loạn, cộng với nồng độ oxy trong máu liên tục giảm, tinh thần tôi như vỡ vụn.
Cảm giác ngộp thở là sự tra tấn dã man nhất mà căn bệnh này mang lại. Bạn tưởng tượng, cơ thể mình như bị nhốt trong một thùng phi kín, nước bên ngoài tràn vào ngập dần, đến khi chỉ còn một lỗ nhỏ. Bạn cố gắng vươn cổ lên để thở nhưng bất lực. Rơi vào sự mơ hồ đó, tôi rất sợ hãi. Đêm tối bỗng dài hơn, chỉ mong trời nhanh sáng để chấm dứt những cơn ngộp thở khi ngủ.
Sau 10 ngày liên tục lo lắng, mệt mỏi và không thể ngủ, mái tóc đen bắt đầu điểm trắng.
Tôi tham gia các hội nhóm "F0 tự điều trị tại nhà", bắt gặp nhiều người lúng túng khi mới mắc bệnh. Chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Tôi nhận thấy, tập thở là điều vô cùng quan trọng. Nếu không tự thở, bình oxy trong nhà cũng trở nên vô tác dụng, vì nó khác hẳn với các loại máy thở xâm nhập chỉ có trong bệnh viện. Hãy hỗ trợ lá phổi đang tổn thương của chính mình.
Nếu như bạn đang phải chống chọi lại những triệu chứng của bệnh thì hệ miễn dịch cũng đang đấu lại với virus. Nên thay vì nằm yên để cầu khỏi bệnh, bạn cần tập thở để hỗ trợ phổi, chuẩn bị đồ dùng thiết yếu, ăn uống, ngủ nghỉ điều độ và giữ được tinh thần lạc quan nhất.
Khi ai đó hỏi ngày thứ mấy là "đỉnh bệnh" thì theo tôi, ngày nào cũng nguy hiểm, đừng thấy không có triệu chứng mà lơ là, hãy luôn cảnh giác và phòng bệnh. Khi dần hồi phục, bạn nên tập thể dục nhẹ để tăng cường sức khoẻ. Giai đoạn này bạn như một đứa trẻ tập đi, hãy bắt đầu bằng hoạt động đơn giản nhất.
Sau gần 20 ngày điều trị, tình hình sức khoẻ dần ổn định, chiều 12/8, tôi xét nghiệm cho kết quả âm tính lần 1, vui như trút được gánh nặng ngàn cân. Trong người đã có kháng thể, âm tính hay dương tính với tôi lúc này không còn quan trọng, tôi vẫn tiếp tục tập thở và sống cách ly, cho đến khi cảm thấy thực sự an toàn với gia đình và xã hội.
"Ngoài cách ly về mặt không gian, hãy cách ly cả về thông tin"
Với cá nhân tôi, "trận chiến" với virus đã vô cùng khắc nghiệt, nhưng để chống lại thông tin tiêu cực, giữ vững tinh thần còn là một quá trình dài. Covid-19 vô cùng nguy hiểm, bởi không có thuốc đặc trị, triệu chứng nhanh, nguy hiểm; sự bất thường và cuối cùng là áp lực thông tin cho người bệnh khi vô vàn những tin xấu bao quanh, khi nghe xong chỉ muốn buông xuôi.
Thời gian đầu khi biết mình mắc bệnh, chỉ duy nhất một lần tôi cãi nhau với vợ khi cô ấy nhắc đến số ca bệnh tại TP.HCM tăng cao chóng mặt, những người bạn thân thiết, thậm chí có những người là dân chơi thể thao chuyên nghiệp, qua đời vì Covid-19.
Tôi sợ, nhỡ đâu mình cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Tôi biết mạng xã hội giống như một con dao hai lưỡi, cả tin tốt và xấu. Tôi không thể loại bỏ hoàn toàn tin tiêu cực, nên chọn cách lướt qua, tiếp nhận những nguồn năng lượng tích cực. Đó là giải pháp tốt nhất. Đừng đẩy các F0 vào "hố đen" thông tin, sinh tồn của họ cần nghe thông tin tốt như cần oxy để thở.
Để chăm sóc các F0 tốt nhất nếu như gia đình bạn không may có người mắc bệnh, ngoài cách ly về mặt không gian, hãy cách ly cả về thông tin. Đừng nghĩ họ có tinh thần thép bởi khoảng thời gian này họ dễ suy sụp. Hãy đưa những thông tin tốt và bảo vệ họ trước tin tiêu cực. Nếu tinh thần tuột dốc, không thể ăn ngủ, mọi loại thuốc đều trở nên vô dụng.
Tôi biết ơn nguồn động lực tinh thần lớn nhất là gia đình luôn bên cạnh. Người vợ cẩn thận chuẩn bị đồ dùng, những hộp cơm có ghi "ngày trở lại yêu thương", "ăn ngon nhé sếp". Những lúc tôi mệt, cô ấy sẽ mặc đồ bảo hộ, giúp tôi khử khuẩn "khu vực cách ly", lau dọn hành lang. Cậu con trai luôn động viên và thậm chí còn thiết kế cả "bộ ròng rọc bằng tay" để vận chuyển thức ăn cho bố. Chiến đấu với căn bệnh này tôi chỉ muốn đơn độc, vì yêu thương đúng cách mới có cơ hội gặp lại nhau.
Sau cùng, các chiến binh F0 tại nhà, nếu bạn không nỗ lực cứu mình thì không ai cứu được mình nữa cả!
Trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến tối 16/8, TP.HCM ghi nhận tổng 152.627 ca Covid-19. Sau 38 ngày thực hiện Chỉ thị 16 và 16 tăng cường, TP. HCM kéo dài đợt giãn cách thêm một tháng đến 15/9, với nguyên tắc "ai ở đâu thì ở đó" để phòng chống dịch.
Từ ngày 16/8, TP.HCM bắt đầu thí điểm chương trình điều trị F0 tại nhà. "Gói chăm sóc sức khỏe tại nhà” cho F0 được triển khai nhằm tạo tâm lý thoải mái cho người bệnh, điều trị kịp thời, góp phần giảm số ca tử vong, với 6 hoạt động chính:
(1) Xác định và lập danh sách người F0 cách ly tại nhà;
(2) Hướng dẫn người F0 tự chăm sóc sức khỏe tại nhà;
(3) Khám bệnh và theo dõi sức khỏe;
(4) Hướng dẫn sử dụng toa thuốc điều trị tại nhà;
(5) Xét nghiệm cho người F0 cách ly tại nhà;
(6) Tư vấn sức khỏe và hỗ trợ cấp cứu cho người F0 cách ly tại nhà.
Cơ quan chức năng cũng gửi tài liệu hướng dẫn chi tiết của Bộ Y tế cho F0 để họ tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe và liên lạc với các cơ sở y tế trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng trở nặng. Việc cung cấp và sử dụng thuốc trong chương trình được tư vấn, hướng dẫn, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ, ghi nhận và đánh giá bởi các chuyên gia, cán bộ y tế.
F0 điều trị tại nhà và cộng đồng, thông qua cuộc gọi được lập trình từ hệ thống do Bộ Y tế quản lý, lấy phiếu chấp thuận tự nguyện tham gia chương trình. Họ sẽ được theo dõi hàng ngày việc dùng thuốc, tình trạng sức khỏe và các tác dụng phụ có thể có, bằng cách sử dụng Nhật ký bệnh nhân điện tử.
Theo Minh Nhân - Ảnh NVCC (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)