30 ngày chiến đấu với COVID-19, có những ngày bị loét vòm họng đau đớn
Nguyễn Quỳnh Phương Giang (23 tuổi, trú tại quận Bình Thạnh, TP HCM) được về nhà cách ly sau 30 ngày vật vã với COVID-19. Gia đình cô tất cả 7 người đều trở thành F0: ông bà ngoại, ba, mẹ, dì, em gái 10 tuổi và Giang, mỗi người được đưa đi điều trị ở một bệnh viện khác nhau.
Ngày 26/5, Giang được đưa đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch điều trị trong vòng 14 ngày đầu tiên, khi triệu chứng đã giảm dần, cô được đưa sang bệnh viện dã chiến số 4 tới khi khỏi bệnh. Khi biết mình là F0, Giang sẵn sàng tâm lý phải đi cách ly chữa bệnh, cũng may bản thân đã được test sớm để điều trị, tránh lây cho người khác.
"Tôi vào tới Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là 12h đêm, sau một giấc ngủ, tôi bình tĩnh khai báo lịch trình đi lại, lên danh sách những thứ cần để nhờ bạn bè bên ngoài gửi vào. Mỗi sáng, bác sĩ đo nồng độ độ bão hòa oxy trong máu ngoại biên (SpO2) và phát thuốc, ai có bệnh nền hay có triệu chứng như sốt, tiêu chảy, đau họng thì gọi theo số đường dây nóng, ngày mai sẽ có thêm thuốc. Người có phổi yếu được chích thuốc, mệt sẽ được truyền dịch, ăn thì mỗi ngày 3 bữa, ai muốn ăn cháo thì đăng ký.
Những ngày đầu tôi mệt mỏi, có hơi sốt, đau họng và ho rất nhiều, đến mệt lả. Hai ba ngày sau thì mất khứu giác, vị giác. Tôi chẳng thể nào quên, ngày mình bị loét vòm họng không ăn được cơm mà chưa đăng ký cháo, may có chị y tá đã đi sang từng phòng khác tìm hỏi xin cho tôi gói cháo ăn liền và dặn dò "dù khó nuốt cách mấy nhớ ráng ăn vào nha", Giang kể về những ngày đầu bị COVID-19 'hành hạ'.
Những ngày tiếp theo, Giang biếng ăn, không nuốt nổi thứ gì, nhưng nếu không ăn thì lấy sức đâu khỏi bệnh. Mỗi bữa ăn, Giang cứ thế ngồi nhặt từng hạt cơm, nhai có khi trong 2-3 tiếng đồng hồ mới hết được 1 suất cơm.
Vực dậy tinh thần!
Giang cho biết, để bản thân không lọt xuống hố sâu chán chường, mỗi sáng thức dậy Giang gom cảm xúc tích cực để tự động viên mình. Ngày thứ 9, điều kỳ diệu xảy ra, Giang dần dần khỏe hơn, bỗng thấy thèm ăn rất nhiều.
"Ngày thứ 15, tôi được chuyển tới bệnh viện dã chiến. Trong phòng, tôi luôn tìm việc để làm. Tập thể dục, dọn phòng cho sạch sẽ, gom rác trước phòng, quét nhà, chùi rửa nhà tắm, giặt đồ, ngồi thiền, xem phim, nhìn ra khoảng trời xanh ngoài kia... Tôi nghĩ là hoàn cảnh nào cũng có thể sống tích cực, đừng chỉ biết ngồi một chỗ và than vãn", Giang chia sẻ.
Sau 30 ngày, Giang xét nghiệm khoảng 4 lần âm tính trước khi được xuất viện. 3 lần đầu cách nhau 7 ngày, lần thứ 4 cách 4 ngày. Những lần nhận phiếu âm tính, cả phòng ai cũng mừng. Ngày nhận được cuộc điện thoại sẽ được ra viện, Giang vui vẻ hét lên "Phòng 508, về nha".
"Ba mẹ tôi và em gái đều khỏi bệnh và đã xuất viện từ 2 tuần trước. Tôi và dì mới được xuất viện trở về. Dì tôi có một khối u trong bụng nhưng cũng đã chiến thắng COVID-19", kể đến đây giọng cô gái 23 bỗng trùng xuống, cả gia đình 7 người thì 5 người khỏi bệnh, còn ông bà ngoại do lớn tuổi, mắc nhiều bệnh nền nên đã mất.
"Bà tôi bị tai biến, nằm liệt gần 1 năm nay, còn ông tôi có bệnh về tâm thần, ngày đưa ông vào bệnh viện vì là F0, ông không biết mình đang ở đâu. Gia đình tôi không thể nhìn mặt ông bà lần cuối. Nhưng tôi biết rằng, có những điều hy sinh khác rất lớn lao và chúng tôi không biết phải làm sao để gửi lời tri ân tới những y bác sĩ, nhân viên y tế, lực lượng tình nguyện viên trong suốt những ngày tháng TP HCM, Việt Nam chống dịch vừa qua", Giang thổn thức.
Hôm nay, đã 5 ngày Giang được xuất viện về nhà cách ly. Nhớ lại 30 ngày vừa qua, Giang cho biết đấy sẽ là một dấu mốc không thể quên trong cuộc đời.
Theo Lê Liên (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)