Sợ bị vợ mắng vì hút thuốc, tài xế dùng nước súc miệng và dính nồng độ cồn

25/05/2023 09:27:11

Khi bị yêu cầu dừng xe và phát hiện nồng độ cồn ở mức 0,072mg/lít khí thở, anh H. rất bất ngờ và khai báo mình không uống rượu. Thực ra trên đường đi có hút vài điếu thuốc, vì sợ vợ mắng nên đã dùng nước súc miệng để trốn vợ.

Đêm 24/5, tổ công tác Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) lập chốt kiểm tra nồng độ cồn tại ngã 3 Miếu Đầm - Đại Lộ Thăng Long.

Tại đây, cảnh sát đã dừng xe hàng chục trường hợp ô tô và xe máy, qua đó phát hiện nhiều trường hợp tài xế vi phạm nồng độ cồn.

Theo ghi nhận của PV báo Dân Trí, vào lúc 20h42, tổ công tác phát hiện tài xế N.V.H. (38 tuổi, quê Nghệ An), điều khiển xe máy mang BKS 37L1-533.xx, có biểu hiện nghi vấn nên yêu cầu dừng xe.

Qua kiểm tra, cảnh sát phát hiện anh H. vi phạm nồng độ cồn ở mức 0,072mg/lít khí thở.

Khi được tổ công tác thông báo mức vi phạm, anh H. tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và phản ứng lại. Anh này cho rằng, bản thân vừa đi công tác ở Hưng Yên về. Trên đường đi do có hút thuốc, mà nhà lại đang có con nhỏ, anh H. sợ bị vợ mắng nên đã dùng nước súc miệng để cho hết mùi thuốc lá.

Sau khi nghe anh H. giải thích, tổ công tác đã đưa người và phương tiện vào chốt làm việc. Tại đây, tổ trưởng tổ công tác cho anh H. ngồi nghỉ ngơi 15 phút và dùng nước lọc.

Sau đó, cảnh sát tiếp tục kiểm tra nồng độ cồn với anh H. thì kết quả cho thấy anh này không có nồng độ cồn trong hơi thở. Cảnh sát sau đó đã để anh H. trở về nhà.

Sợ bị vợ mắng vì hút thuốc, tài xế dùng nước súc miệng và dính nồng độ cồn
Kết quả cho thấy anh H. vi phạm ở mức 0,072 mg/lít khí thở (Ảnh: Dân Trí) 

Trao đổi với Báo Giao thông, BS Nguyễn Trung Nguyên, phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, không chỉ rượu bia là đồ uống có cồn mà một số thực phẩm khác cũng gây dương tính trong hơi thở. Điển hình như nước uống hoa quả lên men, sôcôla, thức ăn nguồn gốc tinh bột, đường (hoa quả) nếu bảo quản không tốt, tồn lưu dài có thể lên men.

Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, một số loại trái cây rất phổ biến và được nhiều người ưa dùng như vải, sầu riêng, nho, xoài, dứa… chứa nồng độ cồn cao hơn các loại trái cây khác. Đó là do các loại trái cây trên chứa hàm lượng đường rất cao. Khi ở môi trường không khí dễ bị lên men dẫn đến hiện tượng đường hóa rượu vừa nhanh và nồng độ cũng cao.

Không chỉ hoa quả, mà khi chế biến thức ăn, nhiều món thêm rượu như một thứ gia vị dù là lượng rất nhỏ. Chẳng hạn, món cá hấp bia, thịt bê sốt rượu marsala, các món thịt hầm không có rượu sẽ mất hương vị thơm ngon. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thịt hấp nấu có bia rượu sẽ giữ lại 85% lượng cồn, thịt ướp giữ 70% lượng cồn, phải đun kỹ 150 phút thì lượng cồn mới giảm xuống còn 5% so với khi pha chế.

Sợ bị vợ mắng vì hút thuốc, tài xế dùng nước súc miệng và dính nồng độ cồn - 1
Một số món ăn, trái cây khi ăn vào có thể gây ra nồng độ cồn (Ảnh minh họa)

Liên quan đến vấn đề này, một chuyên gia công nghệ sinh học chia sẻ, có loại sữa chua nếp cẩm sử dụng nếp cẩm đã lên men, nước quả lên men, trà lên men Kombucha, một số loại sản phẩm lên men khác cũng có thể khiến hơi thở có nồng độ cồn.

Thậm chí, trong các loại thuốc dạng dung dịch như sirô ho thì cũng rất dễ gặp nồng độ cồn. Bên cạnh đó, các loại nước súc miệng có chứa cồn cũng có thể làm xuất hiện nồng độ cồn trong hơi thở. Tuy nhiên, lượng cồn này rất dễ bay hơi và sẽ biến mất hoàn toàn sau một thời gian ngắn.

NT (SHTT)

Nổi bật