Bộ GTVT lên tiếng về thông tin ăn trái cây có nồng độ cồn cũng bị xử phạt

06/01/2020 19:52:19

Bộ GTVT khẳng định, không có chuyện người dân chỉ ăn hoa quả hoặc uống một số loại siro mà trong người có nồng độ cồn cũng bị xử phạt như những trường hợp sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Một tuần toàn quốc áp dụng Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt trong đó tăng mạnh mức phạt đối với những trường hợp vi phạm về một số hành vi, nhóm hành vi đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn theo Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đã nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của đông đảo người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một bộ phận người dân tỏ ra băn khoăn trước một số thông tin về việc ăn vải, nho, dứa, táo, sầu riêng, xoài... hay uống siro có thể tạo ra nồng độ cồn trong hơi thở, dẫn đến việc xử phạt nhầm lẫn.

Liên quan đến vấn đề này, sáng 6/1 phóng viên báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với đại diện bộ GTVT để làm rõ thông tin về việc xử lý đối với những trường hợp tài xế ăn hoa quả có nồng độ cồn trong người khi tham gia giao thông.

Bộ GTVT lên tiếng về thông tin ăn trái cây có nồng độ cồn cũng bị xử phạt
Bộ GTVT khẳng định, không có chuyện người dân chỉ ăn hoa quả hoặc uống một số loại siro mà trong người có nồng độ cồn cũng bị xử phạt như những trường hợp sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Tại đây, vị đại diện bộ GTVT cho biết: “Chúng tôi khẳng định không có chuyện người dân chỉ ăn hoa quả hoặc uống một số loại siro mà trong người có nồng độ cồn cũng bị xử phạt như những trường hợp sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông. Hiện tại đang có một bộ phận người dân chưa hiểu rõ về Nghị định mới nên đã có những ý kiến chưa chính xác”.

Theo đó, vị này thừa nhận có trường hợp người dân ăn một số loại hoa quả hay uống siro khiến trong người cũng có nồng độ cồn. Tuy nhiên, nồng độ cồn này sẽ không lưu lại lâu và trong quá trình kiểm tra, xử lý, lập biên bản người điều khiển phương tiện vi phạm hoàn toàn có quyền được giải thích về lý do có nồng độ cồn, thậm chí sau đó là khiếu nại về quyết định xử phạt chưa đúng.

Được biết, nguyên nhân dẫn đến trường hợp người dân ăn một số loại thực phẩm như vải, nho, dứa, táo, sầu riêng, xoài... mà trong người có nồng độ là do các loại trái cây trên chứa hàm lượng đường rất cao. Khi để ở môi trường không khí dễ bị lên men, dẫn đến hiện tượng đường hóa rượu vừa nhanh và nồng độ cũng cao hơn các loại trái cây khác.

Ví dụ khi người dân ăn vải, do lượng cồn trong quả vải rất nhỏ, không đủ hấp thu vào trong máu sẽ chuyển hóa qua phổi, khiến hơi thở có mùi cồn. Dù ăn nhiều hay ăn ít thì máy đo nồng độ cồn sẽ báo có nồng độ cồn trong khoang miệng.

“Trong trường hợp, người vi phạm cho rằng, nồng độ cồn của mình do ăn hoa quả chứ không phải do uống rượu bia, đồ uống có cồn thì có quyền được xét nghiệm máu để cho kết quả chính xác nhất”, đại diện bộ GTVT khẳng định.

Trước đó, chia sẻ với phóng viên báo Người Đưa Tin, bà Trần Thị Trang - Vụ phó vụ Pháp chế (bộ Y tế) nhấn mạnh, trong các sản phẩm thực phẩm, đặc biệt là những sản phẩm có đường như nho, sầu riêng, chuối... dễ để lại nồng độ cồn trong cơ thể nhưng rất nhỏ, không đáng kể.

Theo bà Trang, trong quá trình thông tin, giáo dục, tuyên truyền thực hiện Luật, bộ y tế sẽ phổ biến những vấn đề về mặt khoa học để lực lượng chức năng nắm được với những trường hợp có nồng độ cồn trong hơi thở rất nhỏ, gần như không đáng kể thì đó không phải là đối tượng để xử phạt.

Theo Nguyễn Lâm (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật