Trao đổi với VietNamNet, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, thời gian qua có ý kiến bày tỏ lo ngại việc tài xế ăn hoa quả, uống thuốc dạng siro sẽ có “hơi men” khi kiểm tra.
Về lo ngại này, đại tá Nguyễn Quang Nhật khẳng định, ngay khi Luật phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/NĐ-CP có hiệu lực vào năm 2020, cơ quan này đã thực nghiệm trên 150 test thử với nhiều loại hoa quả, thuốc ho, nước súc miệng, nước trái cây lên men… kết quả cho thấy người ăn, uống các loại này không ghi nhận trong cơ thể có nồng độ cồn.
“Trong buổi thực nghiệm cho thấy, khi nhân vật trải nghiệm uống nước trái cây lên men khi đo nồng độ cồn tức thì có lên nồng độ cồn. Nhưng khi được súc miệng bằng nước lọc và đo lại thì không phát hiện có nồng độ cồn”, đại tá Nguyễn Quang Nhật nói.
Vị đại diện Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết thêm, quy trình CSGT kiểm tra nồng độ cồn sẽ thực hiện qua 2 bước là đo định tính (xác nhận có cồn hay không) và đo định lượng để xác định mức nồng độ cồn trong hơi thở.
Trường hợp kiểm tra định tính xác định có nồng độ cồn, nếu lái xe có sử dụng một số đồ ăn lên men trước đó thì họ có quyền đề nghị CSGT cho nghỉ ngơi 5-10 phút đồng thời uống nước cho sạch khoang miệng trước khi đo định lượng. Nếu trước đó tài xế đã đo định lượng cũng được phép đề nghị lực lượng chức năng cho thổi lại để đảm bảo tính khách quan.
“Tôi khẳng định, lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ không cứng nhắc như một cái máy để không nghe người dân trình bày. Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn phải được tuân thủ, xử lý đúng người, đúng hành vi”, đại tá Nguyễn Quang Nhật cho biết.
Theo ông Nhật, trong 45 ngày qua, có 99.135 tài xế vi phạm nồng độ cồn bị lực lượng CSGT toàn quốc xử lý. Đây là mức vi phạm rất cao, số lượng vi phạm tăng 23,65% so với 1,5 tháng liền kề trước đó trong cùng thời gian của đợt cao điểm.
Trong đó, số tài xế vi phạm ở mức 3 (mức vi phạm cao nhất được quy định tại Nghị định 100/NĐ-CP) chiếm gần 31,5%. Đáng nói, có 1.438 tài xế không chấp hành việc kiểm tra nồng độ cồn.
“Trung bình mỗi ngày lực lượng CSGT toàn quốc xử lý hơn 2.400 tài xế vi phạm nồng độ cồn. Bước đầu, tại các đô thị người dân có ý thức, tạo được thói quen là đã uống rượu bia thì không lái xe”, đại tá Nguyễn Quang Nhật đánh giá.
Năm 2023 lực lượng CSGT toàn quốc sẽ tập trung vào hai nhiệm vụ là kiểm soát, xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn và thiết lập kỷ cương, bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.
Theo Đình Hiếu (VietNamNet)