Trong khí thế đang lên của công tác phòng chống tham nhũng với nhiều kết quả đạt được, nhiều vụ án kinh tế được phanh phui, dự luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) được Quốc hội (QH) đưa ra bàn thảo được cho là kịp thời và phù hợp với diễn biến của tình hình.
1.001 cách cất giấu
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) trong phiên thảo luận tại hội trường QH cách đây ít ngày đã chỉ ra thực tế trong xã hội hiện nay, giao dịch ngầm, giao dịch không hóa đơn rất nhiều. Trong đó có những giao dịch ngầm không có cách xác định tài sản có giá trị lớn từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng, như sim điện thoại, cây cảnh, đồ mỹ nghệ, tác phẩm nghệ thuật… "Chính các giao dịch chưa quy định tài sản phải chính chủ nên khi bị kê biên, có thể cho dòng họ mượn tài sản đó. Trước đây có tình trạng "một người làm quan, cả họ được nhờ". Bây giờ "một người bị kê biên, cả họ nhận tài sản. Tôi cho rằng đây là một vấn đề mới, khó, phức tạp, cần được cân nhắc rất thận trọng" - ĐB Nguyễn Hồng Vân nêu.
Cũng chỉ rõ thực tế hầu hết tài sản tham nhũng được cất giấu, gửi ngân hàng hoặc do người thân đứng tên, đến khi về hưu được gom lại và hợp thức hóa, ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đề nghị xem xét các đối tượng từng giữ vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, thậm chí khi nghỉ hưu. Ông cũng đề nghị khi xem xét các vụ tham nhũng, cần bổ sung quy định những người ruột thịt của công chức là đối tượng phải chứng minh nguồn gốc tài sản.
ĐB Nguyễn Bá Sơn (TP Đà Nẵng) đánh giá bản thân nội hàm của Luật Phòng chống tham nhũng không thể gánh được hết tất cả những vấn đề thuộc phạm vi phòng chống tham nhũng, đặc biệt là việc kiểm soát tài sản vốn đã rất khó bởi nhiều mánh khóe tinh vi.
Ngay cả khi mạnh tay xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ với tất cả tài sản tăng thêm ngoài tài sản đã kê khai thì trên thực tế, việc xử lý vẫn chưa được nêu rõ trong bất cứ quy định nào. ĐB Võ Đình Tín (Đắk Nông) đề nghị Ủy ban Thường vụ QH ban hành pháp lệnh riêng quy định về trình tự, thủ tục giải quyết tại tòa đối với loại tài sản thuộc diện vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.
Chấm dứt quyền sở hữu với tài sản bất minh
Trao đổi bên hành lang QH, ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An, cho rằng việc giải trình tài sản theo kiểu "buôn chổi đót xây được biệt phủ" là không hợp lý, song nếu không chứng minh được đó là tài sản có do tham nhũng thì không thể gọi là tài sản "bất minh". Cũng từ đó, không thể xử lý tài sản này như xử lý tài sản bất minh. "Còn nếu không chứng minh được đó là tài sản bất minh, tôi cho rằng phương án đánh thuế ở mức 45% là thích hợp. Bởi nộp thuế là trách nhiệm của mỗi người, khi tài sản, thu nhập của anh kê ra mà chưa nộp thuế thì coi là tài sản vãng lai và anh phải nộp thuế" - vị ĐB công an nêu quan điểm.
Theo ĐB Mùa A Vảng (Điện Biên), trong trường hợp người phải kê khai tài sản không chứng minh được nguồn gốc tài sản theo 8 trường hợp đã quy định tại điều 221 của Bộ Luật Dân sự 2015 và cơ quan kiểm soát tài sản chứng minh được tài sản do phạm tội mà có, cần áp dụng hình thức chấm dứt quyền sở hữu tài sản theo điều 237 Bộ Luật Dân sự. Cũng có thể bổ sung vào Luật Phòng chống tham nhũng quy định về trường hợp chấm dứt quyền sở hữu tài sản của người kê khai khi họ không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp hình thành tài sản và có dấu hiệu phạm tội mà có. Đây sẽ là phương án hoàn toàn không để lọt tội phạm, bảo đảm chặt chẽ, thống nhất với các luật liên quan.
ĐB Nguyễn Bá Sơn góp ý do trách nhiệm của cán bộ, công chức nhà nước là phải tuân thủ pháp luật về phòng chống tham nhũng, trong đó có việc kê khai tài sản. Do đó, nếu tài sản không kê khai thì không phải "đóng thuế" mà phải xử phạt hành chính tùy theo mức độ. "Tuy nhiên, đây phải là mức phạt nặng để răn đe. Sau này, nếu tài sản đó bị phát hiện do tham nhũng mà có thì tịch thu, không cần biết là trước đó đã nộp thuế hay bị xử phạt hành chính chưa" - ông Sơn nói.
Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng (2006-2016) cho thấy thiệt hại do các vụ án, vụ việc tham nhũng được phát hiện gần 60.000 tỉ đồng và trên 400 ha đất trong khi số tiền thu hồi chỉ gần 5.000 tỉ đồng và hơn 200 ha đất. Từ đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng thu hồi khối tài sản kếch xù từ tham nhũng là yêu cầu bắt buộc của công cuộc chống tham nhũng. ĐB Thái Trường Giang (Cà Mau) đề nghị phải làm sao để mọi cán bộ, công chức không cần, không muốn, không thể và đặc biệt là không dám tham nhũng. Để làm được việc này, theo ông, cần không ngừng hoàn thiện các chế định và kiểm soát quyền lực, giám sát quyền lực, các chế định về trách nhiệm giải trình cũng như sự tham gia tích cực của nhân dân và quản lý nhà nước và xã hội.
ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) nêu một khía cạnh đặc biệt trong quan niệm về tham nhũng: "Tôi rất tiếc khi làm Bộ Luật Hình sự, tôi và một vài ĐB kiến nghị đưa hành vi lạm dụng quyền lực trong bổ nhiệm cán bộ là hành vi tham nhũng, là tội tham nhũng nhưng không được chấp nhận. Gần đây, tinh thần của Hội nghị Trung ương 7 đã coi hành vi này là hành vi tham nhũng".
ĐB Mùa A Vảng (tỉnh Điện Biên):
Đạo đức là yếu tố quyết định
Luật Phòng chống tham nhũng có nghiêm khắc đến đâu cũng khó xử lý triệt để tham nhũng nếu lòng tham không tự từ bỏ. Nhiều quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới, mặc dù hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn thiện nhưng tham nhũng vẫn tồn tại và xếp hạng thấp. Trong khi có những quốc gia không ban hành luật nhưng công tác phòng chống tham nhũng lại đạt hiệu quả cao. Nguyên nhân chủ yếu của sự thành công đó là sự công khai, minh bạch trong chính sách đầu tư, chi tiêu công; công tác cán bộ, sự giám sát của nhân dân và công tác giáo dục về phòng chống tham nhũng khi còn đang trên ghế nhà trường. Như vậy, con người mới là yếu tố quyết định sự thành công.
Tôi đề nghị luật quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc đưa nội dung giáo dục Luật Phòng chống tham nhũng vào môn giáo dục công dân để giảng dạy tại các trường THPT nhằm giáo dục ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với tương lai của đất nước, giáo dục để con người không muốn tham nhũng khi có cơ hội.
ĐB HOÀNG VĂN CƯỜNG (TP Hà Nội):
Giao thanh tra nhà nước kiểm soát tài sản
Nên làm theo phương án giao chức năng chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập cho hệ thống cơ quan thanh tra nhà nước bởi nếu phân ra nhiều đầu mối thì sau này, không ai chịu trách nhiệm đến cùng. Thực tế, bao năm qua đã có tình trạng quản lý nhưng không ai phát hiện ra bất thường, không ai tìm ra vi phạm. Đó là do giao mỗi cơ quan tự kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai.
Theo tôi, phải có sự thay đổi chéo. Nên giao cho cơ quan thanh tra làm đầu mối, thực hiện chức năng chuyên trách kiểm soát tài sản, thu nhập. Còn riêng việc kiểm soát tài sản của cơ quan thanh tra thì lại chuyển cho Ủy ban Kiểm tra của Đảng kiểm soát. Việc này sẽ giúp tránh tình trạng nể nang, lại không lo bộ máy "phình" thêm.
ĐB Bế Minh Đức (tỉnh Cao Bằng):
Lưu ý nguyên tắc suy đoán vô tội
Thực tế ở nước ta hiện nay, việc quản lý toàn bộ thu nhập đầu vào của công chức là hết sức khó khăn. Cán bộ, công chức ngoài tiền lương còn có nhiều khoản thu nhập hợp pháp khác với những khoản lợi nhuận gấp nhiều lần tiền lương.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do, họ có thể che giấu không kê khai đầy đủ để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế. Nhưng theo quan điểm luật học cũng không thể quy kết đó là tài sản không hợp pháp dù ai cũng có quyền nghi vấn về thu nhập, tài sản vượt trội của cá nhân đó. Kể cả trường hợp họ không giải trình được nguồn gốc tài sản thì cũng chưa thể thu hồi được bởi trách nhiệm chứng minh là của cơ quan có thẩm quyền, nhà nước pháp quyền không thể suy đoán
Theo Hoài Dương (Nld.com.vn)