Ông Nguyễn Anh Trí là một trong những đại biểu ủng hộ việc mở rộng đối tượng buộc phải kê khai tài sản.
"Lò" nóng triệu độ mà luật có lỗ hổng thì cũng không ăn thua
Đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ bức xúc trước những câu chuyện thời gian qua về những cô gái mới 19 tuổi đã có biệt phủ nguy nga tráng lệ, những cán bộ nhà nước mới lên cấp phó phòng, trưởng phòng đã sở hữu trong tay dinh cơ hàng ngàn mét vuông.
"Những thực tế đó người dân hoài nghi, báo chí phản ánh nhưng cuối cùng cũng chẳng làm được gì", theo ông Trí, những chuyện như thế cho thấy công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) có kẽ hở.
"Sửa luật phải khắc phục cho được bất cập này, khi báo chí, dư luận lên tiếng về khối tài sản khủng nghi là tham nhũng thì phải yêu cầu con cái của người thuộc diện phải kê khai tài sản có nghĩa vụ kê khai để các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát", đại biểu Hà Nội kiến nghị.
Nhiều đại biểu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải mở rộng diện phải kê khai tài sản để siết chặt công tác PCTN. Các ý kiến này tập trung vào những người có quan hệ, ảnh hưởng với người có chức vụ trong các cơ quan nhà nước để tránh tình trạng tẩu tán tài sản. Còn mở rộng đối với các cơ quan, cá nhân nằm ngoài cơ quan nhà nước thì cần cân nhắc.
Đại tá Phạm Huyền Ngọc (Ninh Thuận) cho rằng công tác khoanh vùng tham nhũng cần tập trung cụ thể hóa các quy định đối với diện cán bộ thuộc Trung ương quản lý bởi đây là những đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đồng tình: "Đã là cán bộ, là công bộc thì phải chịu giám sát của nhân dân. Cán bộ nhà nước thì phải khác với những người làm trong các doanh nghiệp tư nhân".
Cần chế tài nặng với tài sản không minh bạch
Nhấn mạnh yêu cầu cụ thể hóa các quy định về minh bạch tài sản, đại biểu TP.HCM cho rằng cần có chế tài nặng đối với loại tài sản không chứng minh được nguồn gốc. Loại tài sản không minh bạch, không giải trình được thì phải tiến hành xác minh để từ đó áp dụng biện pháp xử lý.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng cho rằng ngoài mức thu thuế 45% giá trị như trong dự thảo luật, cần đồng thời áp dụng các biện pháp như cảnh cáo, không tiếp tục quy hoạch bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo ở nhiệm kỳ kế tiếp...
Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nhấn mạnh bên cạnh công khai, minh bạch, đặc biệt là trong những lĩnh vực trọng yếu dễ xảy ra tham nhũng, thì phải phát huy vai trò giám sát của nhân dân.
"Lâu nay chúng ta cứ nói nhà nước của dân, do dân, vì dân nhưng nhà nước làm gì thì dân lại không có quyền được biết. Điển hình như việc đặt các trạm BOT, dân cũng không được lấy ý kiến, không được giám sát, khi kiểm toán dân cũng không biết kết quả ra sao", ông Phương nói.
"Đừng nói rằng dân không biết, có những người dân nắm vấn đề rất sắc sảo. Tôi đề nghị khi dân có ý kiến, báo chí phản ánh thì cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm giải trình".
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) đề nghị luật hóa vai trò của Ủy ban Kiểm tra trung ương - cơ quan thời gian gần đây đã làm nức lòng người dân khi liên tiếp lôi ra nhiều vụ việc tiêu cực cộm cán.
Theo Thái Bá Dũng (Tuổi Trẻ)