Hôm nay, QH dành trọn ngày 1 ngày để thảo luận về dự thảo luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhận định, tham nhũng là một khuyết tật bẩm sinh của quyền lực, quyền luôn gắn với trách nhiệm. Quy định về trách nhiệm là giải pháp hạn chế khuyết tật nảy sinh từ quyền.
Theo nữ ĐB, với cách thức tổ chức hệ thống công vụ như hiện nay, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng là vấn đề nan giải, dễ dẫn đến chỗ không quy được trách nhiệm cho ai.
Bà đưa ra lý do, đầu tiên là sự thiếu tương ứng giữa trách nhiệm và quyền hạn, không thể đòi hỏi một người đứng đầu phải chịu trách nhiệm những việc mà người đó không có quyền quyết định.
“Thực tế cho thấy, không phải người đứng đầu nào cũng có quyền lựa chọn cấp phó của mình và có thể một số nhân sự quan trọng khác cũng vậy”, bà Thuý nói.
Bà đặt vấn đề, giả sử người đứng đầu có quyền đề cử cấp phó của mình, chịu trách nhiệm về việc đề cử đó thì trong 2 hành vi đề cử và trách nhiệm quyết định đề bạt, hành vi nào chịu trách nhiệm cao hơn?
Theo ĐB, hành vi đề bạt thì người phải chịu trách nhiệm là quan chức cấp trên.
“Không hiếm trường hợp nhân sự đề bạt là do ý muốn của cấp trên, quy trình xét duyệt chỉ là hợp thức hóa ý đồ của cấp trên và đây có thể là mảnh đất màu mỡ cho tệ nạn chạy chức, chạy quyền phát triển. Nhưng trong nhiều trường hợp áp đặt chế độ trách nhiệm cho người có hành vi đề bạt là hết sức rủi ro”, bà Thuý phân tích.
ĐB Thuý cho rằng, trong nhiều trường hợp, có cả một dây trách nhiệm nên rất khó chỉ ra người có trách nhiệm thực sự.
Một lý do nữa được ĐB nêu là cơ chế tập trung quan liêu chậm được khắc phục. Khi tham nhũng xảy ra, trách nhiệm có thể dính đến các cấp rất cao, mà việc áp đặt trách nhiệm pháp lý do các quan chức cao cấp là rất khó khăn.
“Khi QH chất vấn về những bê bối xảy ra ở một bộ phận nào đó thì vị bộ trưởng có liên quan thường trả lời là xin chịu trách nhiệm và các vị ĐBQH có vẻ như hài lòng với câu trả lời này. Nhưng rồi hết năm này qua năm khác vẫn chưa thấy vị bộ trưởng ấy phải chịu trách nhiệm gì”, bà Thúy chỉ ra.
Từ những khó khăn trên, theo bà Thúy, việc xác lập chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan để xảy ra tham nhũng cần được giải quyết trong tổng thể của các nỗ lực nhằm cải cách hệ thống hành chính nhà nước nói chung.
Cần công khai thuế thu nhập cá nhân của lãnh đạo
Đề cập quy định mới về xử lý tài sản, thu nhập không được giải trình hợp lý về nguồn gốc, ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) phân tích, công chức có nhiều nguồn thu nhập chứ không chỉ đơn thuần nhận lương, trong đó có những nguồn tuy không bất hợp pháp nhưng họ chưa muốn công khai.
Do vậy, việc kê khai tài sản không trung thực có thể xếp vào diện trốn thuế và áp thuế suất 45% là phù hợp.
Tuy nhiên, theo ĐB Trịnh Ngọc Thúy (TP.HCM), tài sản của một người có thể phải thực hiện các nghĩa vụ dân sự liên quan, không dễ để buộc chủ sở hữu phải giải trình nguồn gốc.
Bà Thuý lấy ví dụ, người mẹ đơn thân được cho tài sản để nuôi con nhưng phải cam kết không được khai người cho, trường hợp này không thể bắt người mẹ phải giải trình nguồn gốc tài sản được cho.
“Quy định mọi đối tượng sở hữu nếu không giải trình được nguồn gốc tài sản sẽ bị xử phạt hành chính hoặc thu thuế là không hợp lý. Nếu áp đặt sẽ không khả thi, dễ chủ quan, tuỳ tiện và làm cản trở sự phát triển”, bà Thuý nói.
Giơ biển tranh luận, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho rằng, hầu hết thu nhập cá nhân của cán bộ, công chức hiện đều từ lương, thưởng, trúng vé số, thừa kế tài sản lớn... Theo quy định, các khoản thu nhập đó đều phải kê khai thuế thu nhập cá nhân và sắc thuế này được quản lý chặt chẽ, chính xác.
“Tại sao chúng ta không yêu cầu thêm điều kiện bắt buộc những cán bộ, công chức ở vị trí lãnh đạo, thuộc diện liên quan đến quy định của luật phải kê khai và công khai thuế thu nhập cá nhân?
Nếu biết con số cụ thể này, các cơ quan chức năng và người dân dễ dàng giám sát, theo dõi. Không lý gì thuế thu nhập cá nhân mỗi năm chỉ đóng 1-2 triệu đồng nhưng cán bộ đó mua được nhà, xe”, ông Hiếu nói.
Đề nghị có danh hiệu ‘dũng sĩ diệt tham nhũng’
Phó bí thư thường trực Tỉnh uỷ Ninh Thuận Nguyễn Bắc Việt cho hay, cử tri và nhân dân có ý kiến sửa tên luật thành luật Phòng trừ tham nhũng. “Tham nhũng cũng như sâu, cỏ đối với cây trồng, đối với sự phát triển. Đối với sâu, cỏ thì phải nói là diệt chứ không nói là chống”.
Theo ông, luật nên quy định rõ vai trò của nhân dân trong công tác PCTN bởi đây là sự nghiệp của toàn dân. “Trong chống Mỹ chúng ta có dũng sĩ diệt Mỹ thì trong công tác này phải có danh hiệu dũng sĩ diệt tham nhũng”, ông Việt đề nghị.
Theo Hương Quỳnh (VietNamNet)