Hôm qua (13/6), Quốc hội dành trọn 1 ngày để thảo luận về Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Cùng với vấn đề xử lý tài sản không rõ nguồn gốc, nội dung được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm là việc công khai và kê khai tài sản.
Theo đó, để tránh trường hợp tẩu tán tài sản tham nhũng, có ĐB kiến nghị: khi có dư luận vào cuộc và cho biết tài sản “khủng” nghi tham nhũng, cơ quan chức năng phải yêu cầu người con chưa thành niên của cán bộ kê khai tài sản.
Nan giải xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) nhận định, tham nhũng là một khuyết tật bẩm sinh của quyền lực nhưng quyền lực luôn gắn với trách nhiệm. Bởi vậy quy định trách nhiệm là giải pháp hạn chế khuyết tật nảy sinh từ quyền lực. Theo nữ ĐB, với cách thức tổ chức hệ thống công vụ như hiện nay, việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng là vấn đề nan giải, dễ dẫn đến chỗ không quy được trách nhiệm cho ai.
Cũng theo ĐB Thúy, khi tham nhũng xảy ra, trách nhiệm có thể “dính” đến các cấp rất cao. Trong khi đó, việc áp đặt trách nhiệm pháp lý cho các quan chức cao cấp là rất khó khăn. “Thông thường điều này khó có thể thực hiện được nếu thiếu công đoạn xử lý trách nhiệm chính trị mà cách thức, thủ tục xử lý trách nhiệm chính trị lại là những vấn đề rất mới. Khi Quốc hội chất vấn về những bê bối xảy ra trong một bộ nào đó thì vị Bộ trưởng có liên quan thường trả lời là xin chịu trách nhiệm. Các vị ĐBQH có vẻ như hài lòng với câu trả lời này nhưng rồi hết năm này, sang năm khác vẫn không thấy vị Bộ trưởng ấy phải chịu trách nhiệm gì”, bà Thúy thẳng thắn.
Băn khoăn tới những vấn đề khiến người dân rất bức xúc nhưng như Dự thảo Luật chưa đề cập đến, ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho biết, trên thực tế có những cô gái mới 19 tuổi đã đứng tên những biệt phủ xây trên khu đất hàng ngàn mét vuông; những người mới giữ chức trưởng, phó phòng cũng có biệt phủ trên khuôn viên rộng lớn mà người dân bình thường cũng đoán được tài sản đó ở đâu mà có.
“Dư luận thì xôn xao, báo chí viết nhiều nhưng chúng ta không làm gì được vì Luật không quy định nên chúng ta thua về lý”. ĐB Nguyễn Anh Trí đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu đưa vào Luật để giải quyết những vấn đề trên. Ví dụ, khi có dư luận báo chí vào cuộc và cho biết tài sản “khủng” nghi tham nhũng, khi đó cơ quan chức năng sẽ yêu cầu người con chưa thành niên của cán bộ kê khai tài sản.
Vẫn chưa thống nhất việc xử lý tài sản không rõ nguồn gốc
Đề cập đến việc xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được một cách hợp lý, ĐB Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) nhất trí lựa chọn Phương án 1 mà Ban soạn thảo đề xuất. Theo đó, sẽ thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp kết luận tài sản, thu nhập thực tế của người có nghĩa vụ kê khai lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai.
ĐB Đức cho rằng, hiện nay việc quản lý toàn bộ thu nhập từ đầu vào của công chức là hết sức khó khăn, cán bộ, công chức ngoài tiền lương còn có nhiều khoản thu nhập hợp pháp khác như thu từ thù lao giảng dạy, làm báo cáo viên kiêm nhiệm, tham gia nghiên cứu khoa học, tham gia thị trường bất động sản, chứng khoán v.v... đã giúp họ thu về những khoản lợi nhuận gấp nhiều lần tiền lương.
“Tuy nhiên, vì nhiều lý do họ có thể che giấu không kê khai đầy đủ để trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế và việc che giấu không kê khai này là sai, trái với quy định nhưng theo quan điểm luật học cũng không thể quy kết đó là tài sản không hợp pháp”, ĐB Đức nói.
Cùng quan điểm, ĐB Mùa A Vảng (Đoàn Điện Biên) nhận định, thực tế nguồn gốc tài sản rất đa dạng, nhất là những trường hợp thừa kế không có giấy tờ chứng minh. Trường hợp tài sản không giải trình được nguồn gốc thì có thể thu thuế, còn chứng minh được tài sản đó do tham nhũng, phạm tội mà có thì phải xử lý hình sự.
Không đồng ý, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) tranh luận, hầu hết thu nhập cá nhân của cán bộ, công chức đều từ lương, thưởng, trúng vé số, thừa kế tài sản lớn... Theo quy định, các khoản thu nhập đó đều phải kê khai thuế thu nhập cá nhân và sắc thuế này được quản lý chặt chẽ, chính xác.
“Vậy tại sao chúng ta không yêu cầu thêm điều kiện bắt buộc những cán bộ, công chức ở vị trí lãnh đạo, thuộc diện liên quan đến quy định của Luật phải kê khai và công khai thuế thu nhập cá nhân? Nếu biết con số cụ thể này, các cơ quan chức năng và người dân dễ dàng giám sát, theo dõi. Không lý gì thuế thu nhập cá nhân mỗi năm chỉ đóng 1-2 triệu đồng nhưng cán bộ đó mua được nhà, xe”, ông Hiếu nói và cho biết, ông rất mong muốn dự luật có thêm một điều khoản quy định rõ ràng các vị trí có nguy cơ tham nhũng phải kê khai thuế thu nhập cá nhân và công khai cho tất cả cử tri cũng như cơ quan giám sát được biết.
Phải quy định rõ vấn đề công khai
Theo ĐB Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình), vấn đề quan trọng nhất trong việc phòng chống tham nhũng là thực hiện cơ chế công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan có trách nhiệm. “Trong khi chúng ta nói: Nhà nước là của dân, do dân và vì dân, tất cả quyền lực của Nhà nước thuộc về nhân dân và nhân dân thực hiện quyền lực thông qua người đại diện của mình. Nhưng người đại diện của mình khi làm gì thì lại không cho dân biết”, ông Phương nói.
Theo Phạm Diệu (Pháp Luật TP HCM)