Đã 4 năm nay, bà Quyền phải sống trong chiếc cũi luồng |
Bỗng dưng bị… điên
Chúng tôi tìm về bản Poọng, xã Lâm Phú, huyện miền núi Lang Chánh của tỉnh Thanh Hóa hỏi thăm gia đình “người đàn bà điên”, nhiều người dân nơi đây ai cũng chỉ tận tình lối rẽ vào ngôi nhà ấy. Căn nhà nằm chênh vênh trên sườn đồi, trống huơ trống hoác. Trong nhà, không có tài sản gì đáng giá.
Thấy người lạ tiến sát lại chiếc cũi của mình nằm, người đàn bà ấy co rúm người lại, hai tay che mặt… rồi chửi bằng tiếng Thái, tiếng Kinh.
Ông Lương Văn Nguyên (anh chồng bà Quyền), cho biết: Đã 4 năm trôi qua, bà Quyền phải sống trong cảnh bị “cầm tù”. Mọi sinh hoạt cá nhân đều diễn ra trong chiếc cũi nhỏ ở một góc nhà sàn.
Thấy người lạ tiến sát lại chiếc cũi của mình nằm, người đàn bà ấy co rúm người lại, hai tay che mặt… rồi chửi bằng tiếng Thái, tiếng Kinh |
Quan sát kỹ nơi nhốt bà Quyền, chúng tôi thấy chiếc cũi ghép từ thân cây luồng, dài khoảng 2 mét, cao 1 mét, rộng 1 mét được chồng bà là ông Lương Văn Ngoan dựng lên vào năm 2011. Trong cũi, ngoài một chiếc chăn mỏng, một chiếc gối, không có thứ đồ dùng sinh hoạt cá nhân nào.
Khi chúng tôi đến, bà Quyền đang la hét trong chiếc cũi, không có người thân nào ở nhà chăm sóc. Cơm nắm để trong chiếc đĩa, nước uống trong chai nhựa được ông Ngoan để bên ngoài cũi. Muốn ăn, muốn uống, bà Quyền thò tay qua khe cũi lấy đồ ăn, thức uống. Bà cũng đi vệ sinh qua khe hở giữa hai tấm ván, xuống dưới gầm nhà sàn.
Những người hàng xóm cho biết: Năm 2011, sau cơn bạo bệnh, bà Quyền bỗng trở nên điên dại. Bà la hét suốt ngày, hay đi lang thang mà không về nhà. Bà cũng không kiểm soát được hành vi của mình nên có những hành động gây nguy hiểm cho bản thân cũng như những người xung quanh. Bất đắc dĩ gia đình bà Quyền phải làm cũi ở một góc nhà để nhốt bà.
Mong được đưa đi trại tâm thần
Ngôi nhà của gia đình bà Phạm Thị Quyền |
Nhà ông Ngoan thuộc diện hộ nghèo, ông bà có 2 con trai (một đang học lớp 9, một học lớp 5). Gia đình chỉ có 1 sào ruộng, không có nương rẫy nên kinh tế vô cùng khó khăn.
Trong căn nhà sàn của ông Ngoan, bà Quyền không thấy có thứ đồ đạc nào giá trị hơn mấy cái xoong, nồi nằm lăn lóc ngoài hiên. Hàng xóm cho biết cả nhà ông Ngoan đang sống dựa vào sự cưu mang từ gia đình anh trai là ông Lương Văn Nguyên.