Ngủ mỏm đá, dùng lá cây để chống lạnh qua đêm trong rừng
Ngày 25/3, Chị Thu Trâm, chị ruột của anh Nguyễn Thành Nhân (SN 1989, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết hiện tại anh này đã về nhà và sức khoẻ đã ổn định sau 3 ngày 2 đêm bị lạc trên trên núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) khi đi dọn rác tình nguyện.
Sau khi trở về đồng bằng, được người dân hỗ trợ nước uống và thức ăn, anh Nhân đã chia sẻ về "3 ngày sinh tồn" của bản thân khi bị lạc giữa núi rừng.
Theo người thân, trước đó ngày 23/3, anh Nhân cùng nhóm bạn 6 người lên kế hoạch leo lên đỉnh núi Chứa Chan thu gom rác mang xuống, đây là hành trình tình nguyện để bảo vệ môi trường sống. Cả nhóm hẹn gặp nhau trên đỉnh núi nơi có Trạm Thông tin Quốc phòng.
Sau đó, do anh Nhân có chút việc bận nên đi sau một mình, còn nhóm bạn đi trước. Đến khoảng 11h trưa cùng ngày, anh Nhân bắt đầu leo núi Chứa Chan một mình. Do đi gấp để đến điểm hẹn cho kịp thời gian cùng nhóm bạn, nên anh Nhân không mang theo nhiều tư trang, chỉ ít lương thực và nước uống.
Đến 17h chiều, đi mãi vẫn chưa tới đỉnh núi, anh Nhân biết mình đã bị lạc và lúc này điện thoại di động đã hết sạch pin. Khi vật dụng cuối cùng có thể liên lạc ra bên ngoài đã hết, trời lại sắp tối, anh Nhân bắt đầu hoang mang vì không còn cách nào để cầu cứu.
Sau đó anh cố trấn an tinh thần, giữ bình tĩnh để tìm cách sinh tồn qua đêm đầu tiên giữa lưng chừng núi rừng. Tối hôm đó anh Nhân tìm mỏm đá cao nghỉ ngơi, đốt lửa sưởi ấm qua đêm nhờ có mang bật lửa để hút thuốc.
"Chọn mỏm đá cao để tránh ẩm thấp và côn trùng rắn rết về đêm. Khi đi ngủ, tôi bẻ lá cây phủ lên cơ thể để giữ ấm", anh Nhân kể.
Lương thực cạn kiệt, nhai lá cây để chống khát
Đến sáng ngày 24/3, anh tiếp tục hành trình lên đỉnh núi, đồng thời vừa đi vừa hy vọng tìm được người hỗ trợ. Tuy nhiên đi mãi vẫn không tìm được đúng hướng, lúc này anh cũng muốn quay đầu để xuống núi nhưng không thể.
Theo anh Nhân, do khu vực núi có nhiều thung lũng, bụi rậm, dây leo, nên anh không thể xác định được hướng xuống núi. Anh vẫn cứ đi mãi với hy vọng tìm đường ra khỏi núi nhưng lúc này lương thực và nước uống đã hết.
Những lúc quá đói khát, anh Nhân chọn hái lá cây rừng nhai cho đỡ khát nước rồi tiếp tục di chuyển. Thêm một ngày dài mà vẫn chưa tìm được đường ra, càng đi càng lạc thêm vào rừng sâu, qua nhiều chỏm đá cheo leo thì mặt trời đã lặn sau ngọn núi.
Màn đêm buông xuống, chỉ còn mình anh và những tiếng côn trùng trong rừng. Lúc này bật lửa cũng đã hết gas, không thể nhóm lửa sưởi ấm, anh Nhân tiếp tục bẻ nhiều lá cây rồi trèo lên mỏm đá cao, phủ lên cơ thể để ngủ.
Đến sáng ngày 25/3, bước sang ngày thứ 3 trong rừng thì sức khoẻ anh đã yếu đi, người mệt mỏi vì đói khát. Tưởng chừng anh đã không thể vượt qua thì may mắn anh gặp được 2 thanh niên đi núi và được họ cho nước uống, hướng dẫn đường đi xuống núi.
Đến khi xuống núi an toàn lúc 8h30 sáng 25/3, anh Nhân đã gặp được người dân địa phương và trở về nhà.
Núi Chứa Chan còn gọi là núi Gia Ray hay núi Gia Lào thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Đây là ngọn núi cao thứ hai ở Nam bộ, sau núi Bà Đen với độ cao 837m so với mực nước biển, sườn dốc 30-35 độ, núi này có đôi chỗ là vách dựng đứng.
Núi Chứa Chan là một thắng cảnh hữu tình, độc nhất vô nhị ở Đồng Nai và hiếm gặp ở Nam bộ. Núi có dáng hình vòng cung gồm ba ngọn đồi liên tiếp nhau giống hình bát úp.
Năm 2012 Núi Chứa Chan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia.
Theo Tứ Quý (Tổ Quốc)