3 ngày 2 đêm lạc lối li kỳ trên đỉnh Chứa Chan

25/03/2019 14:17:20

Một thanh niên leo núi Chứa Chan dọn rác bị lạc. Anh ăn lá rừng cầm hơi; lấy lá làm chăn, ngủ mỏm đá... 100 công an, dân phòng và bà con lùng sục khắp núi tìm không ra. Nhưng sau gần 3 ngày 2 đêm, anh tự tìm đường xuống núi...

3 ngày 2 đêm lạc lối li kỳ trên đỉnh Chứa Chan
Nhân ăn tô mì ly của người dân cho sau khi xuống núi - Ảnh: Hải Đình

Ngày 25-3, anh Nguyễn Thành Nhân (30 tuổi, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai) đã xuống núi an toàn sau gần 3 ngày 2 đêm đi lạc trên đỉnh núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai)).

Theo chị Thoa - chị dâu của anh Nhân, cho biết sau khi xuống núi Nhân có hơi thất thần vì lạc 2 đêm trên núi, nhưng đến nay tinh thần đã ổn định hơn.

Lên đỉnh núi thu gom rác mang xuống

Theo chị Thoa, ngày 23-3, Nhân cùng nhóm bạn lên kế hoạch trèo lên đỉnh núi Chứa Chan thu gom rác mang xuống.  Đây là lần thứ 2 nhóm lên núi làm việc này. Tuy nhiên do Nhân đi trễ hơn đoàn khoảng 1 giờ nên nhóm đi trước, Nhân lên sau và hẹn gặp nhau tại trạm thông tin trên đỉnh núi.

Khoảng 11h, Nhân một mình leo núi theo đường cáp treo nhưng do không thông thuộc địa hình nên bị lạc vào rừng trúc trên lưng chừng núi, đoạn thuộc phía tây núi Chứa Chan.

Đến khoảng 17h cùng ngày, điện thoại Nhân hết pin nên không liên lạc được. Vị trí cuối cùng Nhân lưu lại có thể nhìn thấy cột ăngten trên đỉnh núi. Người nhà lo lắng đã đăng thông tin lên mạng xã hội nhờ hỗ trợ tìm kiếm. Sự việc càng trở nên "căng thẳng" khi đến tận tối 24-3 vẫn chưa có tin tức gì của Nhân.

3 ngày 2 đêm lạc lối li kỳ trên đỉnh Chứa Chan - 1
Hàng trăm người tham gia cứu hộ vui mừng khi Nhân xuống núi an toàn - Ảnh: Hải Đình

Huy động hơn 100 người tìm kiếm

Khoảng 12h ngày 24-3, lực lượng công an nhận được tin báo nên đã huy động hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ và người dân lên núi tìm kiếm.

Trung tá Đặng Doãn Thành - phó trưởng Công an huyện Xuân Lộc, cho hay ngay khi nhận tin báo, đơn vị đã triển khai khoảng 100 người gồm lực lượng công an huyện, công an và dân quân các xã trong địa phận núi Chứa Chan (Xuân Hiệp, Xuân Thọ, Suối Cát, Xuân Trường và thị trấn Gia Ray), lực lượng kiểm lâm liên huyện Xuân Lộc – Long Khánh, nhân viên ban quản lý khu di tích và cáp treo núi Chứa Chan cùng người dân địa phương khẩn trương tìm kiếm.

Ông Lê Văn Nam - giám đốc Ban quản lí và bảo vệ rừng khu di tích lịch sử quốc gia núi chứa chan, cho hay toàn bộ lực lượng cứu hộ được chia làm 4 tổ đi tìm kiếm xuyên đêm trên núi. Do trên núi có nhiều rừng trúc, dây leo, bụi rậm và các hang dơi rất sâu nên việc tìm kiếm gặp rất nhiều khó khăn.

Trong lúc tất cả các lực lượng đang khẩn trương tìm kiếm thì may mắn Nhân tìm được đường xuống núi an toàn. Lực lượng chức năng đã chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân và thông báo tình hình về cho người thân được biết.

Ăn lá rừng đỡ đói

Sau khi ăn mì gói và uống bò húc của người dân, sức khỏe Nhân dần hồi phục. Nhân kể khoảng 17h ngày ngày 23-3 khi điện thoại hết pin, Nhân biết mình bị lạc nhưng không thể cầu cứu được. Tối đó, Nhân leo lên một mỏm đá cao rồi đốt lửa sưởi ấm qua đêm.

Sáng hôm sau, Nhân tiếp tục tìm đường xuống. Nhưng do trên núi có nhiều thung lũng, rừng rậm nên Nhân không thể tìm đường xuống. Lúc này, nước và thực phẩm Nhân mang theo cũng hết nên phải bứt lá rừng để nhai ngậm cho đỡ đói, khát rồi tiếp tục di chuyển.

Đêm hôm đó vẫn chưa tìm được đường xuống, Nhân tiếp tục chọn một mỏm đá cao để ngủ qua đêm. Do bật lửa hết gas nên Nhân phải bẻ cành lá cây đắp lên người cho đỡ lạnh. "Chọn hòn đá thật cao để tránh không bị ẩm thấp, hay bị côn trùng, rắn rết cắn" – Nhân chia sẻ.

Đến sáng 25-3, khi đã đuối sức vì đói và khát, tưởng chừng như không đi tiếp được thì bất ngờ Nhân gặp 2 thanh niên đi núi. Hai người này đã cho Nhân nước uống và chỉ lối cho anh xuống núi an toàn.

Núi Chứa Chan còn gọi là núi Gia Ray hay núi Gia Lào thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Đây là ngọn núi cao thứ hai ở Nam bộ, cao 837m so với mực nước biển (sau núi Bà Đen – tỉnh Tây Ninh), sườn dốc 30-35 độ, núi này có đôi chỗ là vách dựng đứng. Núi Chứa Chan có dáng hình vòng cung gồm ba ngọn đồi liên tiếp nhau giống hình bát úp, thế núi hùng vĩ, cao chót vót. Ngọn núi còn được gọi là "Sapa của Đồng Nai" và còn giữ được nhiều nét hoang sơ, phong cảnh hữu tình.

Năm 2012, núi Chứa Chan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia. Năm 2016, tuyến cáp treo được đưa vào sử dụng càng thu hút được nhiều bạn trẻ từ nhiều tỉnh tình tìm đến du lịch, thưởng ngoạn. 

Theo A.Lộc - Hải Định (Tuổi Trẻ)