Giám đốc BV chữa trị Covid-19 ở Hà Nội 'tiết lộ' số ca nặng khi chưa tiêm và đã tiêm vắc xin

24/11/2021 09:49:07

Giám đốc Bệnh viện Đức Giang Nguyễn Văn Thường nhận định, vắc xin Covid-19 hiệu lực không cao bằng nhiều loại vắc xin khác nhưng lại làm giảm tỷ lệ nặng và giảm tỷ lệ nhiễm, tại bệnh viện ghi nhận 11/150 bệnh nhân chuyển nặng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tối 23/11 thống kê, 7 ngày liên tiếp (từ 17 - 23/11) thành phố vượt mốc 200 ca Covid-19/ngày. Cao nhất là 286 ca, thấp nhất 217 ca. F0 ghi nhận trong cộng đồng vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Nhưng điều đáng chú ý là tỷ lệ bệnh nhân diễn tiến nặng trong giai đoạn này lại thấp hơn rõ rệt so với trước.

Cụ thể, theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến chiều 22/11, Hà Nội còn 2.624 bệnh nhân Covid-19 đang theo dõi và điều trị, trong đó có 2.067 bệnh nhân nhẹ và không triệu chứng (chiếm 78,8%); 17 bệnh nhân nặng (chiếm 0,64%). Trong số 17 bệnh nhân nặng hiện có 14 bệnh nhân phải thở oxy mask, gọng kính và 3 bệnh nhân phải thở máy không xâm lấn.

Trao đổi với phóng viên Infonet vào chiều ngày 23/11, TS. BS Nguyễn Văn Thường, Bệnh viện đa khoa Đức Giang - Bệnh viện được Hà Nội phân tầng 3 điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng trên địa bàn cho biết, hiện bệnh viện đang điều trị cho 150 bệnh nhân. Số bệnh nhân đã được ra viện tính từ sau khi không còn thực hiện giãn cách khoảng 150 trường hợp.

Trong số này, tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do mắc Covid-19 chưa tiêm vắc xin chiếm khoảng 31% với 11% là người lớn và 20% là trẻ em.

“Số bệnh nhân mắc Covid-19 chưa tiêm vắc xin đang được điều trị tại bệnh viện chủ yếu là trẻ em dưới 18 tuổi. Đây là độ tuổi mà thời gian trước chưa đủ tuổi để tiêm vắc xin, hiện có 14/21 bệnh nhân chưa tiêm vắc xin mắc Covid-19 là trẻ em”, TS. BS Nguyễn Văn Thường thông tin.

Người tiêm 1 mũi trở lên mắc Covid-19 chiếm 68,7% người đang điều trị tại bệnh viện Đức Giang. Giám đốc BV Đức Giang nhận định về cơ bản bệnh nhân chuyển nặng giảm rất nhiều. Trước đây bệnh nhân chuyển nặng, phải thở oxy chiếm khoảng 5% bây giờ chỉ còn 0,5 - 1%.

Ông Thường nhận định sau khi thực hiện Nghị Quyết 128, trong thời gian tới, bệnh nhân mắc Covid-19 chắc chắn sẽ còn tăng và tăng nhiều tuy nhiên tình trạng nặng sẽ đỡ.

“Tuy nhiên đỡ ở đây là đỡ tỷ lệ % diễn biến nặng chứ không phải đỡ giá trị tuyệt đối. Vì Hà Nội hiện vẫn còn vài % người dân chưa tiêm vắc xin. Những người chưa tiêm thuộc hai nhóm: thực sự không muốn tiêm (anti vắc xin) và những người trong chiến dịch tiêm chủng của Hà Nội họ mắc bệnh hoặc các lý do do không tiêm được.

Chúng ta phải thừa nhận với nhau vắc xin Covid-19 hiệu lực không cao bằng nhiều loại vắc xin khác. Ví dụ vắc xin sởi tiêm xong người ta gần như không mắc bệnh, miễn nhiễm hoàn toàn. Vắc xin Covid-19 không làm được việc này nhưng lại làm được các việc:

Thứ nhất, giảm tỷ lệ nặng, thứ hai giảm tỷ lệ nhiễm. Hiện nay nếu tiêm đủ 2 mũi theo các báo cáo trên thế giới thì tỷ lệ nhiễm chỉ khoảng 12- 13% thôi. Như vậy giảm 80- 87% nhiễm bệnh đối với người đã tiêm đủ mũi vắc xin.

Ngoài ra, tỷ lệ nặng nếu trước kia chưa tiêm vắc xin thì 20% bệnh nhân có triệu chứng trung bình và nặng thì bây giờ sau khi tiêm rồi thì hơn 90% có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Chỉ còn 8-10% là có triệu chứng trung bình và nặng. Trong số này này chuyển nặng 1% trong khi đó trước đây là 5%.

“Tính đến sáng nay có 11 bệnh nhân nặng/150 bệnh nhân. Do đó, để phòng bệnh, nhóm người chưa tiêm vắc xin nên nhanh chóng tiêm, đối với người đã tiêm từ 1 mũi vắc xin vẫn cần phải tuân thủ các biện pháp 5K để tránh lây, nhiễm bệnh cho bản thân đặc biệt là cho nhóm người chưa tiêm đủ vắc xin”, TS.BS Nguyễn Văn Thường khuyến cáo.

Giám đốc BV chữa trị Covid-19 ở Hà Nội 'tiết lộ' số ca nặng khi chưa tiêm và đã tiêm vắc xin
Ảnh minh họa

Hà Nội hiện có 12 ổ dịch phức tạp điển hình ổ dịch Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) đã vượt 300 ca mắc, được giảm cấp độ đánh giá từ "vùng đỏ" xuống "vùng cam". Ngoài ra, thành phố xuất hiện chùm ca bệnh trong các công ty thuộc khu công nghiệp tại 2 huyện Mê Linh và Quốc Oai. Các công nhân được phát hiện dương tính SARS-CoV-2 thông qua xét nghiệm định kỳ.

Theo đánh giá cấp độ dịch ngày 19/11, toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2, tức màu vàng, nguy cơ trung bình. 4 quận, huyện ở cấp độ 1 (màu xanh, bình thường mới) gồm: Hoàn Kiếm, Ba Vì, Đan Phượng, Ứng Hòa. 26 quận, huyện, thị xã còn lại ở cấp độ 2.

Có 3 xã, phường ở cấp độ 3 (màu cam, nguy cơ), gồm phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm); xã Phù Đổng và xã Yên Thường của huyện Gia Lâm. Đặc biệt, không có địa bàn cấp độ 4 (màu đỏ, nguy cơ rất cao).

Từ ngày 17/11, Hà Nội thí điểm cách ly F1 tại nhà trên toàn thành phố, trừ 4 quận trung tâm: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, bởi "mật độ dân cư cao và tập trung trụ sở của các cơ quan, tổ chức lớn".

Thành phố cũng hướng dẫn thu dung, điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại các trạm y tế lưu động của quận, huyện, thị xã.

Về việc giám sát người dân về từ các địa bàn có dịch, Hà Nội bỏ yêu cầu người về từ TP.HCM phải cách ly tại nhà 7 ngày, thay vào đó những người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh, chỉ cần tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K.

Đồng thời, xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất, nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội chiều 20/11, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, số ca dương tính với SARS-CoV-2 tiếp tục tăng với nhiều ổ dịch. Do đó, một số quận, huyện có các ổ dịch cần tăng cường hơn nữa các giải pháp phòng, chống dịch, thần tốc truy vết các ca bệnh và trường hợp liên quan.

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội dự báo ca bệnh Covid-19 sẽ tăng cao trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp tới. Thành phố đã giao Sở Y tế và các đơn vị xây dựng kịch bản khi có 100.000 ca bệnh và đề nghị cần phải chủ động chuẩn bị nghiêm túc cho tình huống này.

Theo Phó Bí thư Hà Nội, nếu xuất hiện 30.000 ca bệnh trở lên, Thành phố sẽ chia ra 4 cấp độ điều trị cho các F0. Cụ thể, Bệnh viện Thành phố là cấp độ 1; Bệnh viện tuyến quận, huyện là cấp độ 2; trung tâm y tế xã, phường, thị trấn là cấp độ 3; cấp độ 4 là khi đã quá tải, điều trị tại nhà. Thành phố cũng đã giao Sở Y tế nghiên cứu thí điểm điều trị F0 thể nhẹ tại nhà.

Cộng dồn số ca mắc trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội có tổng 8.262 ca dương tính, trong đó 3.045 ca ngoài cộng đồng và 5.217 người đã được cách ly.

Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)