Trao đổi với Dân trí, ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội cho hay, trong ngày đầu tiên thực hiện tiêm vaccine cho trẻ em, Hà Nội đã tiêm được 33.618 mũi tiêm cho các cháu học lớp 10, 11, 12, sử dụng 33.330 liều vaccine.
Qua theo dõi sức khỏe sau tiêm, ngành y tế đã ghi nhận 6 trường hợp có các phản ứng phụ như: buồn nôn, ớn lạnh, sốt dưới 39 độ. Đây đều là các phản ứng phụ thông thường có thể xảy ra sau khi tiêm vaccine.
Trong hôm nay, Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai tiêm chủng vaccine Covid-19 cho trẻ em theo kế hoạch.
Về kết quả tiêm chủng cho người trên 18 tuổi, trong ngày 23/11, Hà Nội cũng đã tiêm được 20.634 mũi.
Cộng dồn tới 17h30 ngày 23/11, toàn Hà Nội đã triển khai 31 đợt tiêm vaccine Covid-19 (thêm 2 đợt tiêm cho người Hàn và người Đức).
Tổng số các đợt thực hiện tiêm được 10.198.715 mũi tiêm, sử dụng 9.409.476 liều vaccine/9.929.056 liều vaccine được cấp, đạt tiến độ 94,8%.
Kết quả tiêm vaccine cộng dồn cho nhóm đối tượng người cao tuổi:
- Người trên 65 tuổi: Tiêm được 1.321.330 mũi tiêm/tổng số 724.924 đối tượng (Mũi một: 688.621 mũi tiêm, đạt 95%; mũi 2: 632.709 mũi tiêm, đạt 87,3%).
- Nhóm người 50-64 tuổi: Tiêm được 2.246.049 mũi tiêm/tổng số 1.198.172 đối tượng (Mũi một: 1.170.463 mũi, đạt 97,7%, mũi 2: 1.075.586 mũi, đạt 89,8%).
Địa điểm triển khai tiêm chủng:
- Tại các trường học đối với trẻ em đang đi học.
- Tại trạm y tế với trẻ em không đi học hoặc học trên địa bàn tỉnh/thành phố khác.
Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội cũng sẽ chuyển các đối tượng thận trọng tiêm chủng đến tiêm tại các bệnh viện. Các trường hợp này bao gồm: trẻ mắc các bệnh bẩm sinh; bệnh mãn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu,…
Các trung tâm y tế sẽ cung cấp vaccine để các bệnh viện thực hiện tiêm chủng cho trẻ em.
Với trẻ em gái khi phát hiện mang thai từ 13 tuần trở lên, sau khi giải thích với cha mẹ/người giám hộ về nguy cơ/lợi ích, nếu đồng ý tiêm chủng cần chuyển tiêm và theo dõi tại các cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)