Tổng số ca nhiễm tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4) là 8.012, trong đó số cộng đồng 2.950 ca, số mắc sau khi đã được cách ly 5.062 ca.
Trong vòng 14 ngày trở lại đây, số ca mắc mới COVID-19 của TP.Hà Nội tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Số liệu thống kê của Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, ngày 21.11, Hà Nội ghi nhận 218 ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2, trong đó cộng đồng (100), khu cách ly (89), khu phong tỏa (29). Ngày 20.11, Hà Nội ghi nhận 217 ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2, trong đó cộng đồng (106), khu cách ly (98), khu phong tỏa (13). Giới chức y tế thành phố nhận định dịch đang diễn biến phức tạp, xu hướng tăng ca nhiễm, nhiều ca trở nặng.
Trước những diễn biến trên của tình hình dịch bệnh, TP.Hà Nội đã ban hành hướng dẫn về việc thực hiện cách ly y tế tại nhà cho đối tượng tiếp xúc gần (F1).
Theo đó, đối tượng áp dụng là những người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định (gọi là F1) bao gồm: Người ở cùng nhà với (F1) được cách ly cùng với (F1) tại nhà; Người trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ (F1) được cách ly cùng với (F1) tại nhà. Ngoài ra là những người đang cách ly tập trung đủ 7 ngày, có kết quả xét nghiệm PCR ngày thứ 7 âm tính với SARS-CoV-2 được chuyển về cách ly tại nhà.
Một điều khiến nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi, vì sao F1 âm tính sau 7 ngày cách ly tập trung mới được về cách ly tại nhà?
Liên quan tới việc này, trao đổi với PV Lao Động, ông Trương Quang Việt - Phó Giám đốc phụ trách CDC Hà Nội cho hay, quy định về thời gian cách ly, cách ly tập trung được thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
“Theo chuyên môn y tế, CDC Hà Nội phân loại, phân biệt và đánh giá nguy cơ các ca bệnh F1 để có hướng xử trí, điều trị cho phù hợp. Còn thẩm quyền ra quyết định cách ly tập trung và thời gian cách ly tập trung là của Chủ tịch UBND các quận, huyện” - ông Việt cho biết hiện hành F1 phải cách ly 14 ngày. Việc này căn cứ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Lý giải thêm về việc này, ông Khổng Minh Tuấn - Phó Giám đốc CDC Hà Nội nhấn mạnh, quy định về thời gian cách ly theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Hiện nay, thành phố đã cho phép các đối tượng F1 đủ điều kiện được cách ly tại nhà. Còn với những người đã và đang cách ly tập trung nếu đủ 7 ngày và có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 sẽ được về cách ly tại nhà.
“Vì sao phải đủ 7 ngày?” - Trả lời câu hỏi này, ông Tuấn cho hay, việc này liên quan tới chu kỳ lấy mẫu trong khi cách ly. Thông thường chu kỳ lấy mẫu rơi vào ngày 1, ngày thứ 7 và ngày thứ 14. Do vậy, sau 2 lần lấy mẫu cho kết quả âm tính thì người đã và đang cách ly có thể được về cách ly tại nhà. “Việc này áp dụng với những trường hợp đã và đang cách ly. Còn những trường hợp phát hiện mới F1, đủ điều kiện cách ly tại nhà thì cho cách ly tại nhà luôn” - ông Tuấn nói.
Cùng trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế cho biết, virus SARS-COV-2 thường có thời gian ủ bệnh và phát bệnh trong khoảng từ 2-5 ngày. Với biến chủng Delta thời gian ủ bệnh và phát bệnh có thể nhanh hơn từ 2-3 ngày. Do vậy, chu kỳ lấy mẫu xét nghiệm thường là 7 ngày.
PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là không để lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung. Việc cách ly tại nhà sẽ giải quyết được việc này. Mặt khác, việc này còn giảm tốn kém cho nhà nước, tránh được áp lực quá tải lên hệ thống y tế.
“Nếu nhà họ có đủ điều kiện đảm bảo cách ly được thì nên để họ cách ly tại nhà. Ở nhà ấm áp hơn, điều kiện vệ sinh tắm rửa đầy đủ hơn, có thuốc điều trị sẽ hỗ trợ họ tốt hơn”, ông Nga nói.
Theo công văn của UBND TP.Hà Nội, việc cách ly F1 đủ điều kiện tại nhà được áp dụng thực hiện trên địa bàn thành phố trừ 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng.
Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)