4h00 sáng ngày 12/4, trong màn đêm tĩnh mịch, vợ chồng chị Nguyễn Thị Nga (SN 1981, trú tại thôn 4, xã Kim Lan, huyện Gia Lâm, Hà Nội) cùng nhiều người dân địa phương lại mang theo vợt, lưới ra bờ sông Hồng, đoạn chảy qua cửa đình Kim Lan để chờ đón "lộc trời" – con vật vờ (hay còn gọi là con vờ) xuất hiện.
Thời điểm này, trên sông Hồng, hàng loạt thuyền lớn nhỏ đã sẵn sàng. Lưới được giăng ở đầu thuyền tạo thành hình cánh tiên, ánh đèn LED rọi thẳng ra phía trước. Sau nhiều ngày trông ngóng mà không thấy tăm hơi con vờ, ai nấy cũng đều thấp thỏm.
Khoảng gần 30 phút sau, khi trời vẫn đen đặc, gió thổi nhẹ, bất ngờ hàng trăm con vờ đồng loạt xuất hiện trên mặt nước, bay loạn xạ về phía ánh đèn. Ngay khi những con côn trùng nhỏ xuất hiện, không khí nơi đây bỗng chốc trở lên nhộn nhịp.
Thấy vờ bay bị thu hút bởi ánh đèn, vợ chồng chị Nga vui mừng khôn xiết, nở nụ cười rạng rỡ rồi nhanh chóng khởi động thuyền, lao vút trên mặt sông, len lỏi giữa các thuyền khác đang tăng tốc tìm vận may. Cùng lúc đó, hàng chục người dân ở trên bờ cũng nhanh chóng nhập cuộc, họ cầm đèn pin hoặc treo lên đầu để soi bắt vờ ở ven bờ sông Hồng.
Đến gần 6h00, những con vờ thưa dần rồi biến mất hẳn. Đó cũng là lúc các con thuyền rẽ sóng quay đầu, người bắt vờ trên ven bờ trở về nhà nghỉ ngơi.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Nga cho biết, chị gắn bó với công việc bắt vờ đến nay cũng đã được 20 năm. Như hằng năm, con vờ thường xuất hiện từ tháng 2 đến tháng 4 âm lịch, nhưng năm nay chúng đến muộn hơn, lại thất thường khiến người dân không đoán được ngày nào sẽ có.
"Những năm trước, chỉ cần ngửi thấy mùi tanh lạ, thấy mặt nước sủi bọt là hôm sau kiểu gì cũng có vờ. Nhưng năm nay, tín hiệu đó không còn chính xác nữa. Vậy nên hôm nào chúng tôi cũng phải dậy từ sớm ra canh. Người ta cứ bảo con vờ là "lộc trời" cho, nhưng không phải ai cũng biết rằng để bắt được nó cũng cực lắm", chị Nga chia sẻ.
Chị Nga cho hay, sau khi đánh bắt xong, người dân sẽ mang con vờ ra ven bờ sông đãi sạch loại bỏ lớp vỏ giáp xác, rồi mới mang ra chợ bán hoặc bán cho các quán ăn, nhà hàng.
Được biết, vờ là loại côn trùng có tuổi thọ rất ngắn. Chúng sống ở nơi đất thịt dưới đáy sông Hồng, trải qua hai lần lột xác, đẻ trứng rồi sống trong vòng 20 đến 40 phút sẽ chết. Trứng nở thành ấu trùng và tiếp tục lặp lại chu kỳ này.
Trước kia, vờ chỉ được xem là món ăn bình dân, giá trị kinh tế không cao. Vài năm gần đây, khi nhu cầu thị trường tăng, chúng trở thành món khoái khẩu trong các bữa nhậu, giá cũng theo đó mà tăng vọt.
"Khoảng 7 đến 8 năm về trước, có ngày chúng tôi bắt được cả tạ, nhưng thời điểm đó ít người mua và giá cũng rẻ. Những đến vài năm trở lại đây, con vờ bỗng trở thành "đặc sản", được nhiều quán, nhà hàng đặt mua số lượng lớn.
Nhưng cũng kể từ đó, số lượng đánh bắt được ngày một giảm đi. Có đợt bà con bắt được ít, giá đỉnh điểm lên đến 500 nghìn đồng/kg cũng không có để mà bán. Năm nay cũng ít, từ đầu vụ đến giờ chúng tôi chẳng bắt được nhiều. Hôm nay là buổi nhiều nhất từ đầu vụ, sau khi mang đãi sạch vỏ xác, chúng tôi lái thuyền nhỏ cũng được khoảng 20kg vờ. Tuỳ địa điểm bán, giá năm nay giao động từ 250 đến 400 nghìn đồng/kg", chị Nga nói.
Theo nhiều người dân xã Kim Lan cho biết, con vờ có thể chế biến được thành nhiều món ăn khác nhau như xào với rau bí, chiên giòn, xào tỏi hay kết hợp với trứng, lá lốt,… đặc biệt là om với cá ngạnh.
"Tuỳ vào khẩu vị của mỗi người, có người chê, có người khen ngon. Nói thật, giá của loại này khá cao nhưng chỉ cần ngư dân vừa bắt mang lên bờ đem ra chợ bán một lúc là hết. Thậm chí, nhiều nhà hàng, quán bia đã đặt sẵn từ trước với số lượng lớn", một người dân cho hay.
Theo Vân Đức (Nguoiduatin.vn)