Nâng thêm doanh thu cho V.League
Trước khi VPF ký hợp đồng bản quyền truyền hình kéo dài 5 năm, với giá trị có thể lên đến hơn 2 triệu USD với FPT, V.League không có nhiều nguồn thu lớn. “Bầu sữa” lớn nhất đến từ nhà tài trợ chính đồng hành với giải. Trong khi đó, bản quyền truyền hình thường được quy đổi thành những quảng cáo đồng hành, số lần hiện diện của nhà tài trợ các đội bóng trên bảng quảng cáo và truyền hình trực tiếp. Như đại diện của một CLB cách đây không lâu thừa nhận, nguồn thu bằng tiền mặt đến từ bản quyền truyền hình trong nhiều mùa giải trước đó của V.League là không đáng kể.
Nói thế để thấy rằng, tầm quan trọng về tài chính đến từ nhà tài trợ cho V.League hay mở rộng hơn là các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là lớn. Tất nhiên, đổi lại cho điều đó, VPF cũng cần phải đáp ứng quyền lợi một cách tương xứng cho mạnh thường quân chủ lực của giải. Lật lại lịch sử, kể từ khi giải VĐQG lấy tên gọi là V.League, Công ty Tiếp thị Thể thao Strata đã quyết định tài trợ với giá trị lên tới 2 triệu USD trong 3 năm. Đổi lại, toàn bộ bảng quảng cáo cũng như áo thi đấu của các CLB tham dự giải chỉ được sử dụng hình ảnh các đối tác mà Strata ký kết. Khái niệm “độc quyền” cho nhà tài trợ chính đã xuất hiện từ thời điểm bấy giờ. Theo báo giới chia sẻ, sau 2 mùa, Strata không thể vận hành được vì gánh nặng tài chính. Một giai đoạn mới xoay quanh thương mại ở V.League chuyển mình. Các CLB bắt đầu được phép tự khai thác quảng cáo.
Bẵng đi một thời gian, giá trị của V.League không được như kỳ vọng. Trước giai đoạn năm 2012, V.League chỉ nhận được tài trợ mỗi năm trên dưới 10 tỷ đồng. Và đến khi VPF ra đời, việc ưu tiên ngành hàng giống như thời điểm hồng hoang của V.League được vận hành trở lại. Quan trọng hơn, cũng chính bởi sự ưu tiên đó, giá trị tài trợ cho V.League tăng lên 30 tỷ đồng/năm.
Cần hiểu rõ những tiền lệ
Kể từ năm 2012 đến nay, ngoại trừ thời điểm Toyota làm nhà tài trợ ở giai đoạn 2015-2017, việc ưu tiên ngành hàng của nhà tài trợ chính luôn được VPF đảm bảo trong điều lệ giải và phổ biến với các CLB trước thời điểm mỗi mùa bóng diễn ra. Điều đó nhằm mục đích giúp giá trị của V.League trở nên hấp dẫn hơn, có sức nặng hơn trong mắt nhà tài trợ.
Tất nhiên trong giai đoạn nhà tài trợ đồng hành với V.League, việc các CLB cũng có mạnh thường quân với ngành hàng tương đương từng xảy ra. Giai đoạn ngân hàng Eximbank còn đồng hành với V.League (2012-2014) cũng chứng kiến các CLB như Kienlongbank Kiên Giang, Navibank Sài Gòn, SHB Đà Nẵng có nhà tài trợ chung ngành. Hay mới nhất ở mùa giải năm ngoái, khi VPF ký hợp đồng với Sâm Ngọc Linh, với ngành hàng nước tăng lực Night Wolf tài trợ cho V.League thì ở sân chơi này, HAGL đang đồng hành với Red Bull. Nhưng cần phải nói rõ, các CLB này đều ký hợp đồng với các nhà tài trợ trước thời điểm V.League ở mùa giải tương ứng có đối tác chủ lực sở hữu ngành hàng tương đương. Cũng chính vì vậy mà nhà tài trợ chính của V.League mới chấp thuận cho sự hiện diện của “đối thủ” đang đồng hành với CLB.
Trong khi đó, câu chuyện HAGL - Carabao và V.League - Night Wolf năm nay lại ngược về cột mốc. Bởi thời điểm HAGL ký hợp đồng với Carabao diễn ra sau khi V.League được Night Wolf đồng hành. Bản thân HAGL cũng là một trong những CLB được VPF thường xuyên thông báo, đưa ra dự thảo về ưu tiên ngành hàng trước mỗi mùa giải. Và trước V.League 2023, điều đó cũng không là ngoại lệ!
Theo Trí Công (TTVN)