Khi VPF “ăn nên làm ra”, số tiền hỗ trợ từ công ty cho các CLB cũng tăng lên. Cụ thể theo tìm hiểu, VPF các mùa giải vừa qua đều có hỗ trợ các CLB gồm HAGL. Con số dự kiến sẽ tăng lên ở mùa giải năm nay nhờ nguồn thu từ bản quyền truyền hình cao hơn hẳn. Cụ thể, năm 2020 khó khăn về tài trợ vì dịch COVID-19, VPF vẫn hỗ trợ khoản tiền 800 triệu cho mỗi CLB VĐQG, 400 triệu cho mỗi CLB HNQG. Năm 2021, giải đấu bị dừng giữa chừng, VPF vẫn trang bị cho các CLB ở cả VĐQG, HNQG cabin khu vực kĩ thuật mới, đội bóng nào đã có thì sẽ được công ty này chuyển khoản hỗ trợ bằng tiền.
Tới năm 2022, khi mọi thứ quay trở lại nhịp bình thường, công ty VPF tiếp tục chuyển các khoản hỗ trợ như năm 2020 và dự kiến bắt đầu từ mùa 2023, VPF sẽ tăng đáng kể các khoản hỗ trợ, dự kiến có thể ít nhất 1,5 lần nhờ việc đã bán được số tiền bản quyền truyền hình kỷ lục (hơn 2 triệu USD). Tổng số tiền hỗ trợ các CLB có thể lên tới 30 tỷ đồng.
Năm 2023 cũng ghi nhận số tiền thưởng tăng gần gấp đôi tại các Giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia với tổng quỹ thưởng 9 tỷ đồng. Trong đó, đội vô địch nhận 5 tỷ đồng, đội á quân nhận 2,5 tỷ đồng và đội đoạt HC đồng nhận 1,25 tỷ đồng. Tiền thưởng ở giải hạng Nhất Quốc gia cũng tăng gấp đôi so với mùa giải trước. Đội vô địch nhận 2 tỷ đồng, á quân nhận 1 tỷ đồng, còn đội thứ ba nhận 500 triệu đồng.
Hiệu ứng không tốt
Về xung đột giữa HAGL và VPF, mới đây HAGL đã khởi kiện VPF ra Toà án Nhân dận quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) để yêu cầu VPF huỷ điều khoản độc quyền ngành hàng trong Điều lệ giải. Tuy nhiên đa số các ý kiến trong giới bóng đá cho rằng HAGL có thể chọn cách làm tốt hơn, là xử lý trong nội bộ VPF với tư cách một cổ đông. Trao đổi với Tiền Phong, một quan chức VFF cho biết thời gian qua thực tế VFF đã phải đứng ra làm trung gian giúp đôi bên có thể ngồi lại để tìm giải pháp tốt đẹp. Dù vậy tưởng như khi mọi chuyên đã êm, VPF sau khi trao đổi với nhà tài trợ chính giải đấu là Sâm Ngọc Linh đã “mở cửa” để HAGL có nguồn tài trợ dự giải thì đội bóng của bầu Đức khởi kiện. Vụ việc trở nên căng thẳng hơn, khiến cho hình ảnh V-League nói chung cũng chịu ảnh hưởng.
Theo chuyên gia marketing Hoàng Hà, Cựu Giám đốc Marketing Yamaha Việt Nam cho rằng đây không phải sự kiện hy hữu và diễn ra trong nhiều lĩnh vực chứ không riêng bóng đá. Nó là hồi chuông cảnh báo về sự bất cập của chính sách, quy chế với sự phát triển của thể thao. Từ góc độ nhà tài trợ, dù của giải đấu hay CLB thì vụ việc cũng tạo hiệu ứng không tốt.
Theo ông Hoàng Hà, các bên cần tuân thủ quy định đã có và khi có diễn biến phát sinh thì cần trao đổi để tìm giải pháp hài hoà, tránh ồn ào không đáng có. “Sự cố lần này xuất phát từ CLB. Do vậy họ nên chủ động tiếp cận theo hướng tích cực để không ảnh hưởng đến uy tín chung của giải, lợi ích của các CLB và nhà tài trợ”- ông Hoàng Hà nói.
Ông Hoàng Hà cũng cho biết không thấy vấn đề độc quyền với quy định của VPF bởi chưa có dấu hiệu chỉ định tài trợ, và trong bối cảnh kinh tế khó khăn sau đại dịch, việc tìm kiếm, duy trì được các nhà tài trợ là nhiệm vụ không đơn giản của cả VPF cũng như các CLB. Trong trường hợp có hơn một doanh nghiệp cùng ngành muốn tài trợ cho giải đấu mà VPF chủ quan lựa chọn 1 nhà tài trợ và hạn chế cơ hội của nhà tài trợ khác thì mới có thể bị xem xét là tạo lợi thế độc quyền. Việc chọn 1 nhà tài trợ trong một ngành hàng để tránh xung đột quyền lợi là thông lệ từ lâu nay, không có bất thường.
Theo ông Hoàng Hà, VPF và các CLB nói chung cần có cơ chế phân chia lợi ích, thiết lập các quy định theo tốc độ phát triển, trình độ giải đấu nhằm đảm bảo lợi ích hài hoà, tránh gây xung đột.
Theo Nguyên Phong (Tiền Phong)