Haaning bị tòa án ở Copenhagen (Đan Mạch) yêu cầu trả lại tiền cho bảo tàng, The Guardian đưa tin.
"Tôi bị sốc, nhưng thực ra đó cũng là những gì tôi đã đoán trước," Haaning trả lời kênh DR, bổ sung rằng anh hiện tại không đủ tiền trả lại cho bảo tàng.
"Nó khiến tôi rơi vào tình cản không biết phải làm gì," anh chia sẻ.
Hồi năm 2021, Haaning được Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại Kunsten (Đan Mạch) chuyển 75.000 USD tiền mặt để tạo lại hai tác phẩm nổi tiếng "Thu nhập Bình quân Hàng năm của người Đan Mạch" và "Thu nhập Bình quân Hàng năm của người Áo". Hai tác phẩm này gồm nhiều tờ tiền kroner và euro dính lên vải trắng, nhằm thể hiện thu nhập bình quân đầu người của hai nước kể trên.
Tuy vậy, Haaning chỉ giao lại hai khung trống và vải trắng, đặt tên tác phẩm là "Ôm tiền và bỏ chạy", dù vẫn được bảo tàng triển lãm.
Bảo tàng sau đó đã đề nghị Haaning trả lại tiền, tuy vậy anh từ chối và bị kiện ra tòa, theo The Guardian.
"Nhiều ý kiến cho rằng tôi là một giám đốc ngây thơ và việc chi tiền như vậy là sử dụng sai mục đích ngân sách công và tiền quyên góp cá nhân," giám đốc bảo tàng Kunsten Lasse Andersson cho biết.
Ông Andersson bổ sung rằng bảo tàng Kunsten "không giàu có gì", và hành động của Haaning khiến các giám tuyển hết sức bất bình.
Hồi năm 2021, Haaning trả lời phỏng vấn DR cho biết "Ôm tiền và bỏ chạy" lấy ý tưởng từ cái anh gọi là trả công không đầy đủ. Theo nghệ sĩ này, để có thể tái tạo lại hai tác phẩm, anh phải tự bỏ ra 3.300 euro tiền túi.
"Tôi khuyến khích những người phải làm việc trong điều kiện vất vả như tôi có hành động tương tự. Nếu họ đang phải làm công việc không tốt và không được trả lương xứng đáng, thậm chí phải tự bỏ tiền túi để có thể đi làm, hay ôm tiền và bỏ chạy," anh tuyên bố.
Năm 2018, nghệ sĩ Banksy thu hút chú ý của giới truyền thông khi tạo ra tác phẩm tự hủy khi đang được bán đấu giá với giá 1,4 triệu USD. Tác phẩm bị hủy một phần này sau đó tiếp tục được bán đấu giá, thu về tới 25 triệu USD.
Linh Giang (SHTT)