Ông Trump phải xử lý những vấn đề gì năm 2018?

01/01/2018 10:55:41

Có lẽ, ảnh hưởng của Tổng thống Mỹ Donald Trump lên các mối quan hệ quốc tế sẽ được nhiều thế hệ tới đây nghiên cứu. Nhưng hiện chưa thể kết luận được gì, do nhiệm kỳ của ông mới chỉ qua một năm đầu.

Bước sang năm 2018, thế giới chắc chắn sẽ có nhiều biến động cũ mới đan xen, và vị Tổng tư lệnh Mỹ sẽ tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều bài toán khó giải.

Ông Trump phải xử lý những vấn đề gì năm 2018?
Tổng thống Mỹ Donald Trump

Báo The Guardian nêu ra một số chủ đề chính:

Triều Tiên

Ông Barack Obama từng cảnh báo ông Donald Trump về mối đe dọa từ các chương trình vũ khí của Triều Tiên. Ông Kim Jong Un đang tiến vững chắc trên con đường chế tạo một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) gắn đầu đạn hạt nhân.

"Sẽ không có chuyện đó", ông chủ Nhà Trắng đã viết trên Twitter như vậy. Nhưng chuyện đó đã xảy ra. Bình Nhưỡng giờ đây (gần như chắc chắn) có trong tay một quả bom nhiệt hạch, và rất có thể có một tên lửa đủ sức bắn tới tận Washington.

Trong cuộc khẩu chiến triền miên, Tổng thống Trump dành cho Triều Tiên những lời cảnh báo mạnh mẽ nhất, thậm chí dọa sẽ "phá hủy hoàn toàn" quốc gia này bằng "lửa và cơn thịnh nộ ".

Cố vấn An ninh quốc gia HR McMaster từng nhắc đến một cuộc chiến "phòng ngừa" và quan điểm ở Nhà Trắng rằng một Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân sẽ không thể ngăn chặn được, vì vậy sẽ phải đương đầu bằng quân sự, bất kể rủi ro thế nào.

Những người quan sát Triều Tiên từ lâu đã nghĩ đến một cuộc xung đột trong những tháng tới đây. Và ít nhất một chuyên gia rất uy tín đã đặt nguy cơ ở mức 50%. 

Trung Quốc

Tổng thống Trump muốn đạt được hai mục tiêu trong mối quan hệ với Trung Quốc. Ông muốn biến nước này thành "chiến trường" cho các chính sách "Nước Mỹ Trước tiên" ở nước ngoài, tái lập một mối quan hệ thương mại theo ý Mỹ, trong khi cố gắng huy động sự hậu thuẫn của Bắc Kinh trong nỗ lực kiềm tỏa Triều Tiên. 

Iran

Sự thù nghịch dành cho Iran là một trong rất ít các hằng số trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump. Một phần điều này dường như bắt nguồn từ khát vọng ông muốn phá vỡ di sản chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm – đó là thỏa thuận năm 2015, trong đó Iran chấp nhận cắt giảm chương trình hạt nhân để được nới lỏng cấm vận.

Hồi tháng 10, Tổng thống Trump từ chối xác nhận thỏa thuận này và dọa sẽ phá bỏ nó hoàn toàn vào giữa tháng 1.

Điều này đặt chính quyền Trump vào một tiến trình đối đầu với Iran, phớt lờ các đồng minh truyền thống của Washington ở châu Âu dọc theo tiến trình này, nghiêng về liên minh với Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel, Thái tử Mohammed bin Salman của Ảrập Xêút và lãnh đạo Mohammed bin Zayed của Abu Dhabi – những người quyết tâm đẩy lùi ảnh hưởng của Tehran ở Vùng Vịnh. 

Syria

Trong khi Nga giảm bớt sự hiện diện ở Syria, Iran được cho là sẽ làm ngược lại, tái thiết quân đội Syria và nâng đỡ lực lượng dân quân được xây dựng theo khuôn mẫu Hezbollah của Lebanon.

Sự hợp nhất sức mạnh quân sự của Iran từ Herat ở Afghanistan tới miền nam Lebanon sẽ vẽ lại bản đồ Trung Đông - một trong những hệ lụy lâu dài của việc Mỹ xâm lược Iraq, do cả ông Trump và ông Obama đều muốn ở ngoài cuộc nội chiến Syria.

Trong năm 2018, Mỹ chắc chắn sẽ quyết đoán hơn trong nỗ lực kiềm chế tầm vươn của Iran. Tất cả các thành viên trong đội ngũ an ninh quốc gia của Tổng thống Trump đều không nhượng bộ với Iran. Vấn đề là họ sẽ chọn cách "cháy chậm " – làm chảy máu sức mạnh của Iran thông qua các lực lượng ủy nhiệm, hay đối đầu hoàn toàn. 

Nga

Ngày càng ít có sự thống nhất trong đội ngũ của Tổng thống Trump về Nga.

Thực tế, vì mong muốn nhượng bộ để cải thiện quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Trump đã xung đột với nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền của mình. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis và Ngoại trưởng Rex Tillerson đều tìm cách đưa ông Trump vào vấn đề này, đào sâu lập trường cố thủ, khẳng định sẽ không nới lỏng cấm vận và không nhượng bộ ngoại giao cho đến khi Nga rút lui ở Ukraina.

Dự đoán trong năm 2018, một là Tổng thống Trump sẽ cải tổ nhân sự, thay ông Mattis và ông Tillerson bằng những người thân Moscow hơn, hai là Tổng thống Putin tái cử sẽ gây sức ép lớn lên người đồng cấp Mỹ.

Theo cách nào thì sự rạn nứt giữa Nga và Mỹ cũng khó có thể xóa bỏ hết. 

Theo Thanh Hảo (VietNamNet)

Nổi bật