Ông Trump 100 ngày nắm quyền, một làn sóng dịch chuyển đang diễn ra

29/04/2025 07:07:54

Nhiều tập đoàn lớn trên thế giới âm thầm dịch chuyển sản xuất và dòng vốn ngay trong khoảng thời gian 100 ngày ông Donald Trump nắm quyền Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2.

Những tín hiệu dịch chuyển

Cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn diễn ra căng thẳng và hệ lụy đối với kinh tế thế giới là rất khó đoán định. Tổng thống Mỹ Donald Trump gần đây đã dịu giọng với Bắc Kinh, tuy nhiên, tất cả vẫn còn ở phía trước. Một số tập đoàn lớn trên thế giới đã có những tín hiệu thay đổi về chiến lược.

Theo FT, Tập đoàn Apple có kế hoạch chuyển việc lắp ráp toàn bộ iPhone bán tại thị trường Mỹ sang Ấn Độ ngay trong năm 2026 như một phần trong chiến lược nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng sau hơn hai thập kỷ đầu tư mạnh tay vào Trung Quốc. Apple đặt mục tiêu sẽ tăng gấp đôi sản lượng iPhone tại Ấn Độ, với hơn 60 triệu chiếc iPhone bán ra mỗi năm tại Mỹ.

Dù các bên liên quan chưa xác nhận, trên thực tế, gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã từng bước xây dựng năng lực sản xuất ở Ấn Độ trong vài năm gần đây. 

Thông tin về kế hoạch dịch chuyển của Apple được đưa ra trong bối cảnh tổng thuế suất mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc là 145%, bao gồm 20% đã áp trước đó và 125% nằm trong gói thuế đối ứng.

Trong khi, mức thuế đối ứng của Mỹ đối với Ấn Độ là 26%. Ông Trump cũng đang tạm dừng kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với tất cả đối tác thương mại, trừ Trung Quốc.

Trước đó, hôm 24/2, Apple công bố một kế hoạch đầu tư trị giá 500 tỷ USD tại Mỹ trong vòng 4 năm tới, với mục tiêu tạo ra cơ hội việc làm và phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ tiên tiến tại cường quốc số 1 thế giới. Tuyên bố được đưa ra sau cuộc gặp giữa CEO Apple Tim Cook và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng.

Ông Trump 100 ngày nắm quyền, một làn sóng dịch chuyển đang diễn ra
Chính quyền ông Donald Trump áp thuế 145% lên hàng hóa nhập từ Trung Quốc. Ảnh: CNBC

Một trong những dự án quan trọng trong chiến lược đầu tư của Apple là hợp tác với Foxconn để xây dựng một cơ sở lắp ráp các máy chủ phục vụ cho các trung tâm dữ liệu của Apple Intelligence tại Houston.

Bên cạnh đó, Apple cũng bắt đầu sản xuất hàng loạt chip của riêng mình tại một nhà máy ở Arizona. Đây là động thái hỗ trợ cho Đạo luật CHIPS, nhằm thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước, giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung ngày càng gay gắt.

Apple cũng dự định mua hàng từ các nhà cung cấp Mỹ, mở một học viện sản xuất tại Michigan - nơi sẽ cung cấp các khóa học cho các công ty sản xuất vừa và nhỏ, giúp họ cải thiện quy trình sản xuất và quản lý dự án.

Một làn sóng dịch chuyển, thế giới sẽ ra sao?

Theo CNBC, Tập đoàn ô tô Stellantis của Hà Lan thông báo sẽ khởi động lại nhà máy lắp ráp tại Illinois (Mỹ) và công bố các khoản đầu tư các nhà máy ở Ohio, Indiana và Michigan. 

Công ty dược phẩm Merck của Đức dự báo sẽ chịu tác động 200 triệu USD từ các mức thuế mới của ông Trump và đang chuyển một phần sản xuất trở lại Mỹ để giảm thiểu rủi ro. 

Hôm 11/3, Merck mở cơ sở sản xuất trị giá 1 tỷ USD tại Bắc Carolina trong bối cảnh ông Trump đe dọa áp thuế quan 25% với hàng nhập khẩu dược phẩm. Merck dự kiến ​đầu tư tổng cộng 8 tỷ USD vào Mỹ từ nay đến năm 2028.

Gần đây, Eli Lilly, có trụ sở tại Mỹ, đã công bố kế hoạch đầu tư ít nhất 27 tỷ USD để xây dựng 4 nhà máy mới tại Mỹ. Pfizer cũng cho hay có thể chuyển hoạt động sản xuất ở nước ngoài đến các nhà máy hiện có tại Hoa Kỳ.

Đối mặt với chi phí chuỗi cung ứng tăng cao do thuế quan, các nhà bán lẻ như Walmart, Target, Lowe’s và Home Depot đang chuyển hướng từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ... để giảm thiểu rủi ro và duy trì giá cả cạnh tranh.

​Trong bối cảnh thị trường Ấn Độ ngày càng quan trọng, nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc cũng “thay đổi hoàn toàn về thái độ”. Ông lớn thiết bị điện tử gia dụng của Trung Quốc - Haier đã thực hiện nhiều điều chỉnh chiến lược để củng cố vị thế và thúc đẩy tăng trưởng tại quốc gia này.

Theo Indiatimes, Haier đang đàm phán để bán 51-55% cổ phần trong các hoạt động tại Ấn Độ (Haier Appliances India) cho đối tác trong nước, thay vì chỉ xem xét bán 26% và giữ cổ phần kiểm soát trong liên danh như trước đó. 

Haier cũng đang tìm kiếm địa điểm để xây dựng thêm nhà máy tại miền Nam Ấn Độ nhằm phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu. 

Ngoài ra, trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và mức thuế quan mới, Haier tăng cường bản địa hóa tại các thị trường quốc tế (như Mỹ, châu Âu) để giảm phụ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc.

Cũng theo Indiatimes, nhà sản xuất thiết bị điện và phát điện Shanghai Highly của Trung Quốc đã khôi phục liên doanh với Voltas (thuộc sở hữu của Tata), chấp nhận tỷ lệ nắm giữ thấp do không muốn tuột mất hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ.

Trước đó, nhà sản xuất linh kiện lớn cho Apple là Foxconn cũng đa dạng đầu tư sang nước khác nhằm đáp ứng nhu cầu của các đối tác.

Hãng sản xuất xe điện lớn của Trung Quốc BYD có xu hướng dịch chuyển sản xuất sang Đông Nam Á để tránh thuế quan Mỹ, như mở nhà máy tại Thái Lan...

Có thể thấy, cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang tiềm ẩn nhiều rủi ro không chỉ đối với thương mại song phương mà còn đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Trung Quốc - từng được xem là “công xưởng của thế giới” - đang chứng kiến sự dịch chuyển dòng vốn và hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác.

Gần đây, dù Tổng thống Mỹ Donald Trump tỏ ra lạc quan về khả năng cải thiện quan hệ thương mại với Trung Quốc, nhưng vẫn chưa có hành động gì cụ thể. Trong bài phát biểu hôm 26/4, ông Trump khẳng định sẽ không dỡ bỏ thuế quan trừ khi Trung Quốc “đề xuất một thứ gì đó đáng kể” để đổi lại, đồng thời yêu cầu Bắc Kinh mở cửa thương mại.

Mức thuế 145% mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc đang tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng tới các doanh nghiệp hoạt động tại Trung Quốc.

Theo Wall Street Journal, chính quyền ông Trump cân nhắc giảm hơn một nửa mức thuế trong một số trường hợp, nhưng chưa có quyết định cuối cùng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cũng thừa nhận thế bế tắc hiện nay “khó duy trì lâu dài”, nhưng ông chỉ dự báo căng thẳng có thể “hạ nhiệt” mà không đưa ra cam kết cụ thể. Điều này khiến giới quan sát hoài nghi về khả năng đạt được bước đột phá trong ngắn hạn.

Phía Trung Quốc cũng tỏ ra thận trọng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng chiến tranh thương mại và thuế quan “không có người thắng”. Trong khi đó, nhiều chuyên gia Trung Quốc cảnh báo những phát biểu “mềm mỏng” của ông Trump có thể chỉ là lời nói.

Theo Mạnh Hà (VietNamNet)

Nổi bật