Theo Reuters, quyết định này, được công bố qua một lá thư đanh thép từ Bộ trưởng của DHS, Kristi Noem ngày 22/5, đẩy căng thẳng giữa chính phủ và trường đại học danh tiếng này lên một nấc thang mới, đầy kịch tính.
"Thu hồi giấy phép Chương trình Sinh viên và Trao đổi Du học (SEVIP) của Đại học Harvard, có hiệu lực ngay lập tức", Bộ trưởng Kristi Noem cho biết.
Theo Bộ trưởng Noem, Harvard đã "nhiều lần từ chối cung cấp thông tin cần thiết", duy trì một "môi trường không an toàn, thù địch với sinh viên Do Thái", bị cáo buộc "khuyến khích ủng hộ Hamas" và áp dụng các chính sách Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập (DEI) mà DHS cho là "mang tính phân biệt chủng tộc". Bà Noem nhấn mạnh, việc tuyển du học sinh là một "đặc quyền" và Harvard đã không tuân thủ quy định để duy trì đặc quyền đó.
Phản pháo gay gắt, Harvard gọi hành động của chính phủ là "phi pháp" và "mang tính đáp trả". Trường đại học này cảnh báo động thái trên có nguy cơ "gây tổn hại nghiêm trọng đến cộng đồng Harvard và đất nước", đồng thời "làm suy yếu sứ mệnh học thuật và nghiên cứu" vốn là cốt lõi của mình.
"Hành động của chính phủ là phi pháp. Động thái mang tính đáp trả này có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng đến cộng đồng Harvard và đất nước, làm suy yếu sứ mệnh học thuật và nghiên cứu của chúng tôi", Đại học Harvard tuyên bố.
Việc mất giấy phép SEVIP (Chương trình Sinh viên và Trao đổi Du học) đồng nghĩa Harvard không thể tuyển mới và đào tạo sinh viên quốc tế có visa du học.
Điều này đặc biệt đáng lo ngại khi trong năm học 2024-2025, trường có gần 6.800 sinh viên quốc tế, chiếm hơn 27% tổng số sinh viên, một nguồn lực trí tuệ và tài chính quan trọng. Tương lai của hàng ngàn tài năng trẻ từ khắp nơi trên thế giới đang theo học hoặc có ý định đến Harvard bỗng trở nên bất định.
Quyết định này không phải là một sự kiện đơn lẻ mà đây là đỉnh điểm của một chuỗi leo thang căng thẳng kéo dài:
Tháng trước: Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã dọa sẽ cấm Harvard tuyển sinh viên quốc tế nếu không chấp nhận các yêu cầu, đặt trường dưới sự giám sát từ bên ngoài.
Cuối tháng 3: Bộ Giáo dục Mỹ bắt đầu xem xét lại khoản tài trợ khổng lồ 8,7 tỷ USD cho trường.
Sau các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine: Nhóm liên ngành Chống tư tưởng bài xích Do Thái (JTFCAS) của Bộ Giáo dục yêu cầu Harvard thay đổi cả chương trình giảng dạy và tuyển sinh để "loại bỏ tư tưởng bài Do Thái".
Yêu cầu hủy bỏ DEI: Chính quyền Trump cũng mạnh mẽ yêu cầu Harvard hủy bỏ các chương trình Đa dạng, Công bằng và Hòa nhập.
Đóng băng tài trợ: Chính phủ Mỹ đã đóng băng 2,2 tỷ USD tài trợ, có thể đang chuẩn bị cắt thêm 1 tỷ USD nữa. Bộ An ninh Nội địa cũng đã hủy một gói tài trợ 2,7 triệu USD.
Nguy cơ mất quyền miễn thuế: Tổng thống Trump đầu tháng 5 tuyên bố có kế hoạch tước quyền miễn thuế của Harvard.
Harvard khẳng định sẵn sàng hợp tác, nhưng coi các yêu cầu này là sự "can thiệp quá mức" nhằm "kiểm soát cộng đồng Harvard" và "đe dọa các giá trị" của một tổ chức tư nhân chỉ tập trung vào việc theo đuổi, sáng tạo và phổ cập kiến thức.
Đáp lại, Bộ Giáo dục Mỹ tuyên bố Harvard sẽ không đủ điều kiện nhận thêm tài trợ liên bang mới "nếu không chứng minh được khả năng quản lý có trách nhiệm".
QT (SHTT)